Chào bác sĩ, Em hiện nay đang mang thai con đầu được 35 tuần. Em chưa được chỉ định chính xác là sinh thường hay sinh mổ. Em có nghe đến việc xông vùng kín sau sinh sẽ giúp co hồi tử cung nhanh, thúc đẩy sản dịch ra ngoài và làm sạch âm đạo. Nhưng, dạo gần đây, trên các báo em cũng đọc được tin tức rằng xông vùng kín không tốt cho sản phụ sau sinh và có nguy cơ viêm nhiễm âm đạo. Bác sĩ ơi, vậy em có nên xông vùng kín sau sinh không? Sinh bao lâu thì được phép xông? Nếu sinh thường, em bị rạch tầng sinh môn thì xông có ảnh hưởng đến vết thương không? Và trường hợp sinh mổ thì em có cần thiết phải ngồi xông không? Em cảm ơn bác sĩ nhiều!
Chị Thanh – 25 tuổi – Nguyễn Cư Trinh, Q.1
Chào em, Cho dù là sinh thường hay sinh mổ, em đều phải cần xông vùng kín! Bởi vì sao? Khi có thai cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi về mặt giải phẫu – sinh lý trong đó vùng âm hộ, âm đạo cũng vậy : – Vùng âm hộ hay tầng sinh môn sẽ mềm hơn vào những tháng cuối thai kỳ, sung huyết ở vùng môi lớn môi bé với những tĩnh mạch dưới da dãn rộng, những mạng lưới tĩnh mạch tăng sinh rất nhiều. – Âm đạo có nhiều mạch máu dãn nở làm niêm mạc âm đạo dày lên, mô liên kết dãn tăng trưởng, nhóm trực khuẩn Doderlein cũng tăng nhiều hơn. Vì vách âm đạo có tính đàn hồi và hình thành bởi nhiều nếp gấp do đó khi sinh, thành âm đạo căng rộng ra để em bé chui qua. Cho nên, khi quá trình chuyển dạ chấm dứt, vi trùng có thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục ở những nơi có thương tích : những chỗ bị rách xước, vết may tầng sinh môn, âm đạo cổ tử cung, niêm mạc tử cung tại vị trí nhau bám vào và đã bong ra lúc nhau đã tróc. Cho dù sinh ngả âm đaọ hay sinh mổ thì nguy cơ nhiễm trùng hậu sản, hậu phẫu là có thể xảy ra, do vậy song song với việc chăm sóc hậu phẫu và vệ sinh âm hộ mỗi ngày thì em cần phải xông vùng kín. Việc xông vùng âm hộ, tầng sinh môn là việc đã, đang và tiếp tục duy trì từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Hiện nay, cách làm cải tiến hơn nhiều như một số bệnh viện sản phụ khoa đã có phòng xông hậu sản ( SIT2BATH) với nhiều loại thảo dược như : Cây nghệ và nghệ rễ vàng; Cỏ hương bài; Sả; Riềng; Lá dứa; Lá chanh; Cây gỗ sồi; Nhục Đậu khấu; Tô mộc; Địa Y; …. Khi ngồi xông, làn hơi nóng từ thảo dược sẽ đi sâu vào bên trong giúp cho các mô được thư giãn, đồng thời : – Sát trùng và chống viêm khuẩn. – Thúc đẩy quá trình làm lành các vết thương, làm cho các cơ và hệ thống mạch máu vùng âm đạo, âm hộ săn chắc, co hồi nhanh hơn. – Máu lưu thông tốt giúp vết may tầng sinh môn nhanh lành và không để lại sẹo – Tử cung co hồi tốt hơn giúp đẩy sản dịch ra ngoài, sạch âm đạo – Giải tỏa mùi tanh nồng của máu hậu sản Em nên tiến hành xông từ ngay ngày thứ 2 sau sinh, lúc còn viện cho đến 30 ngày sau khi sinh thường hoặc sinh mổ để được bảo vệ tốt nhất. Chúc em được mẹ tròn con vuông nhé!
Bác sĩ Hồ Việt Thu – Phó Giám Đốc và Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai.