Giới thiệu Sách - 150 Thuật Ngữ Văn Học - Lại Nguyên Ân biên soạn - NXB Kim Đồng
Lại Nguyên Ân (Nhà nghiên cứu văn học), bút danh khác: Vân Trang, Ngân Uyên, Tam Vị, Nghĩa Nguyên. Lại Nguyên Ân là tác giả của trên 60 tên sách, thuộc nhiều thể loại như phê bình, tiểu luận, nghiên cứu văn học, sưu tầm biên soạn tư liệu văn học sử Việt Nam, sách dịch và biên dịch; trong đó có: Văn học và phê bình; Một thời đại mới trong văn học; Sống với văn học cùng thời; Đọc lại người trước, đọc lại người xưa; Từ điển văn học Việt Nam, từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX; Nguyễn Minh Châu, con người và tác phẩm; Vũ Trọng Phụng, tài năng và sự thật; Thi sĩ Hồ Dzếnh; Nhà văn Việt Nam: Chân dung tự họa; Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Giông tố”; Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Số đỏ”,…
“150 thuật ngữ văn học” của Lại Nguyên là một công trình viết công phu và rất bổ ích cho sinh viên, người giảng dạy, người nghiên cứu văn học. Sách viết công phu, đầy tinh thần trách nhiệm; hơn thế, nó cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức hiện đại về lý luận văn học, ở nước ta hiện nay còn ít được phổ biến.
Nhiều mục từ được tác giả nghiên cứu những tư liệu, đối chiếu, lựa chọn và biên soạn rất công phu, nhiều khi tác giả bình luận ý kiến này, hay ý kiến khác; có những mục từ phong phú, dài tới hàng chục trang. Phương pháp biên soạn rõ ràng, khoa học; kết cấu mục từ chặt chẽ: định nghĩa, biến diễn của nghĩa qua các thời đại; có những thí dụ, sách thêm sinh động, hấp dẫn (trong các mục từ: mê hoặc, ngoa dụ, ngoại đề trữ tình, v.v..)
Tóm lại, ưu điểm thứ nhất (công trình nghiêm túc, ý kiến phong phú) bao trùm gần như toàn bộ 150 thuật ngữ. Ưu điểm thứ hai là sách bao gồm nhiều thuật ngữ văn học hiện đại, cần thiết hiện nay ở nước ta. Đó là các thuật ngữ về ký hiệu học, ký hiệu thẩm mỹ, về cấu trúc, huyền thoại, phương pháp hình thức; một số vấn đề này đã được đề cập trong sách trước đây, nhưng còn sơ lược (có khi không chính xác). Tác phẩm này của Lại Nguyên n khoa học hơn, phong phú hơn, xứng đáng được người đọc suy ngẫm, xứng đáng được thầy giáo, cô giáo, người phê bình tìm hiểu và ứng dụng trong bài giảng, trong bài viết của mình. Được như vậy, chất lượng giảng dạy và phê bình văn học sẽ được nâng cao, tránh đường mòn, tránh giẫm chân tại chỗ và có thể hòa đồng vào giảng dạy, phê bình của nhân loại.