Giới thiệu Sách - 7 Nguyên Tắc Bất Biến Để Xây Dựng Doanh Nghiệp Nhỏ
Sách - 7 Nguyên Tắc Bất Biến Để Xây Dựng Doanh Nghiệp Nhỏ Tác giả Steven S. Little; Phương Thảo, Thanh Hương dịch Nhà xuất bản NXB Công thương Đơn vị phát hành Công ty Cổ phần Sách Alpha - Alpha Books Ngày xuất bản 2023 Số trang 320 Kích thước 13 x 20.5 cm Loại bìa Bìa mềm Nội dung "Đây không phải là một cuốn cẩm nang. Trong nhiều năm, tôi diễn thuyết trước hàng chục nghìn chủ doanh nghiệp và nhà quản lý quan tâm tới sự tăng trưởng doanh nghiệp. Sau buổi diễn thuyết, họ thường gọi điện hoặc gửi email cho tôi để hỏi thêm. Câu hỏi thứ hai họ thường hỏi tôi là: “Tôi nên mua cuốn sách nào có thể hướng dẫn tôi phát triển công việc kinh doanh của mình?”
Câu hỏi này rất thú vị vì nhiều lý do. Thứ nhất, họ không bao giờ hỏi: tôi nên “đọc” cuốn sách nào? mà luôn luôn là “mua”. Câu hỏi này ngụ ý chỉ hành động mua cuốn sách, ở một góc độ nào đó, có ích cho sự phát triển doanh nghiệp. Biên tập viên của tôi tổng kết rằng độc giả thật sự đọc chưa đến 20% sách kinh doanh mà họ mua.
Lý do thứ hai, không tác giả nào có thể viết được một cuốn sách mô tả chi tiết cách thức phát triển doanh nghiệp của bạn. J. Paul Getty (nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng) từng nói: “Không ai có thể đạt được thành công thật sự và vĩnh cửu hoặc “làm giàu” trong kinh doanh bằng cách biến mình thành kẻ theo đuôi người khác”. Bạn thường nhìn thấy một cuốn cẩm nang liệt kê mười bảy bước đảm bảo cho phát triển doanh nghiệp nhưng nó cũng không có tác dụng. Các bước liệt kê trong cẩm nang không thể giúp doanh nghiệp bạn phát triển được.
Thay vì đưa ra danh sách công việc cụ thể, cuốn sách này nghiên cứu và xác định những vấn đề mà các công ty thành công thường chú trọng. Trong những vấn đề này, điều kỳ diệu xuất hiện và do bạn tạo ra: sự đổi mới và khám phá mới, sự phát triển và thay đổi có tính cách mạng được quản lý và thực hiện triệt để chính là nguồn gốc của sự tăng trưởng thật sự, ổn định và lợi nhuận. Nói cách khác, tôi không chỉ ra việc bạn phải làm mà gợi ý những nơi bạn có thể tìm thấy việc cần làm. Phần cuối mỗi nguyên tắc, tôi liệt kê các bước nên làm tiếp theo. Trong bất kỳ trường hợp nào, không nên hiểu chúng là những gợi ý cụ thể. Chúng chỉ là những lời khuyên nhằm giúp bạn tìm ra triển vọng tương lai cho mình.
Đây không phải là một cuốn sách tài chính. Bất kỳ công ty nào, dù lớn hay nhỏ, đều cần xây dựng hệ thống truyền thông tin chính xác và liên tục tới lãnh đạo về tình hình tài chính của công ty. Mỗi doanh nghiệp tôi từng lãnh đạo, luôn có một báo cáo vào buổi sáng hàng ngày, trong đó cung cấp những thông tin quan trọng nhất của ngày, tháng, năm tính đến thời điểm đó. Doanh thu, đơn đặt hàng, khoản phải trả, khoản phải thu, hàng tồn kho và “hệ số thanh toán nhanh” (chỉ số đo lường mức độ thanh khoản)… chỉ là một số chỉ tiêu phải kiểm tra hàng ngày. Báo cáo thu nhập, bảng cân đối kế toán, và báo cáo lưu chuyển tiền tệ phải được lập, kiểm tra và nghiên cứu hàng tháng. Làm như vậy sẽ giúp ích cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ của bạn.
Đây là lần cuối cùng bạn nghe về tài chính trong cuốn sách này. Sự thật là, đối với nhiều chủ doanh nghiệp, tài chính là một chủ đề khá khô khan. Hơn nữa, cũng đã có rất nhiều cuốn sách hay viết về chủ đề này. Đó là lý do khiến tôi quyết định hạn chế đề cập trực tiếp đến tài chính trong cuốn sách này. Tuy vậy, tôi vẫn phải lưu ý mặc dù không được đề cập trực tiếp nhưng các yếu tố tài chính đóng vai trò quan trọng xuyên suốt cuốn sách.
Bạn không thể giữ chân những nhân viên giỏi nhất nếu không thể trả mức lương cao cho họ do không biết cách quản lý lưu lượng tiền mặt. Bạn cũng không thể phát huy sức mạnh công nghệ khi không thể xác định được những vấn đề trong bản Báo cáo lỗ, lãi? Một trong những kỹ thuật quan trọng nhất để lôi kéo khách hàng của các công ty là cung ứng hàng hóa và dịch vụ đúng hẹn. Cách quản lý hợp lý hàng tồn kho như sản phẩm, linh kiện hay lượng công việc trong một giờ là một khía cạnh tài chính quan trọng nhằm nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Chắc rằng bạn đã hiểu được ý tôi muốn diễn đạt. Mỗi một nguyên tắc trong bảy nguyên tắc sau đây liên quan đến khả năng giám sát và giải thích dữ liệu tài chính của doanh nghiệp bạn. Bạn không cần phải trở thành một chuyên gia tài chính nhưng nó sẽ giúp ích cho bạn nếu bạn biết cách ứng dụng. Như chúng tôi vẫn thường nói ở North Carolina: “Bây giờ mình đã hiểu”
Từ nguyên tắc, cũng giống như từ không thể bác bỏ, có nhiều nội hàm khác nhau. Nếu tra trong từ điển đồng nghĩa, bạn sẽ thấy có nhiều từ gần nghĩa với từ nguyên tắc như nghị định, mệnh lệnh hay điều luật, đều có ý nghĩa bắt buộc phải tuân thủ. Bạn cũng sẽ tìm thấy một số từ đồng nghĩa với ý tôi muốn diễn đạt trong cuốn sách này như thông lệ, thông thường, tập quán. Ví dụ: “Ở các công ty phát triển, làm việc chăm chỉ là điều bình thường, không phải là cá biệt”. Đó là cách tôi muốn bạn hiểu các nguyên tắc này không phải là những điều luật − là thứ bạn bắt buộc phải tuân theo − mà là những phương hướng hành động chung đã được chứng minh có hiệu quả ở nhiều công ty.