Nhà Sách Online > Sách Tiếng Việt > Sách Giáo Dục > Sách - Aristotle và Lý tưởng giáo dục Hy Lạp cổ đại – Thomas Davidson - Nguyễn Hữu Đăng Khoa dịch – Lyceum – Nxb Dân Trí
Giới thiệu Sách - Aristotle và Lý tưởng giáo dục Hy Lạp cổ đại – Thomas Davidson - Nguyễn Hữu Đăng Khoa dịch – Lyceum – Nxb Dân Trí
Khủng hoảng trong giáo dục luôn là vấn đề nóng, gây nhức nhối không chỉ cho những chuyên gia, những nhà quản lý giáo dục mà còn ảnh hưởng tới đa số người dân. Dù ngân sách đầu tư cho giáo dục ngày càng được đẩy mạnh cả ở quy mô nhà nước lẫn hộ gia đình (trung bình chiếm 18% tổng chi ngân sách, trung bình mỗi gia đình đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh), thực tế vẫn cho thấy chất lượng giáo dục Việt Nam vẫn chưa cao. Việc đầu tư tràn lan, không có trọng điểm (chẳng hạn như đầu tư vào cải cách sách giáo khoa nhưng vẫn nhiều sai sót, nhiều mô hình và phương pháp giáo dục mới nhưng không quản lý một cách hệ thống…) khiến bản thân người học cũng như phụ huynh không đưa ra được định hướng đúng đắn trong việc xác định mục tiêu học tập dẫn đến việc học lệch, nặng về hình thức, thành tích.
Aristotle và Lý tưởng giáo dục Hy Lạp cổ đại đưa chúng ta tìm về với các lý thuyết giáo dục thời cổ đại ở Hy Lạp. Hy Lạp từ lâu luôn được coi là cái nôi của triết học, với những trụ cột lớn còn ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống cho đến tận bây giờ, như Socrates, Plato và đặc biệt là Aristotle. Trong giáo dục cũng vậy, hầu hết các lý thuyết giáo dục nổi tiếng sau này ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ các lý thuyết giáo dục Hy Lạp cổ đại. Việc tìm hiểu và nghiên cứu các lý thuyết Hy Lạp cổ đại giúp chúng ta hình dung được mối liên hệ chặt chẽ giữa sự phát triển của một thể chế và giáo dục, tầm quan trọng của việc xác định các mục tiêu giáo dục chính, ảnh hưởng của các phương cách giáo dục lên các cá nhân trong cộng đồng cũng như sự phát triển của thể chế. Mặc dù sẽ là không phù hợp khi áp dụng các lý thuyết cổ đại vào đời sống hiện đại, nhưng có rất nhiều điểm đáng lưu ý và xem xét, như việc đề cao thực hành và rèn luyện trong học tập để nắm chắc lý thuyết, sự hài hoà giữa việc rèn luyện thể chất và đào tạo trí thức, nỗ lực cố gắng theo đuổi trí tuệ toàn vẹn. Từ đó, mỗi người đọc có thể chiêm nghiệm lại về bản thân mình, mục tiêu và những giá trị mình thực sự mong muốn theo đuổi, và cách thức thích hợp để đat được những mục tiêu đó.
***
ARISTOTLE VÀ LÝ TƯỞNG GIÁO DỤC HY LẠP CỔ ĐẠI
Tác giả: Thomas Davidson
Người dịch: Nguyễn Hữu Đăng Khoa dịch (Lan Anh hiệu đính)