Tác giả: Nguyễn Văn Trung Khổ sách: 14x20 cm Số trang: 188 trang Năm xuất bản: 2021
Thân xác là một thực tại thiết thân nhất, nhưng cũng thường bị coi như một vật xa lạ, bị khinh miệt trong việc tu trì, bị lãng quên trong đời sống hàng ngày, bị giản lược vào vai trò cái xác trong thân phận người đi ở, người lính đánh thuê, người gái điếm, người da đen...
Đôi khi con người có dịp khám phá lại thân xác mình bằng kinh nghiệm đau ốm, đói khát, tàn tật, soi gương, xấu hổ, để nhận định thân xác là một "thực tại hàm hồ" qua sinh hoạt dục tính, là một tư thân, xác tôi tham dự tích cực vào mọi hoạt động tri thức, chân tay vào mọi giao ngộ với người khác và sau cùng, là một giá trị mà những kinh nghiệm về "thừa" (những cái thừa của con người; người là thừa đối với người) về "thiếu" (tàn tật, xấu xí) về mất (cái chết) là dịp làm cho con người ý thức được giá trị trên.
Trong một xã hội luôn luôn đề cao những giá trị tinh thần và khinh miệt những gì là vật chất, xác thịt trên lý thuyết, nhưng thiết thực lại chỉ tôn sùng sức mạnh, đồng tiền, xác thịt, thiết tưởng cần phải hỏi ý nghĩa, giá trị đích thực của vật chất, thân xác và đề cao việc tranh đấu cho những giá trị vật chất, thân xác như bao hàm một ý nghĩa thiêng liêng, thần thánh vì "cái thiêng liêng cũng là xác thịt" - PÉGUY.