Giới thiệu Sách - Cơ Sở Tính Toán Tác Động Và Thiết Kế Nhà Phòng Chống Động Đất
Sách - Cơ Sở Tính Toán Tác Động Và Thiết Kế Nhà Phòng Chống Động Đất Tác giả Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - Nguyễn Lê Ninh (Chủ biên), Phan Văn Huệ, Võ Mạnh Tùng Nhà xuất bản NXB Xây Dựng Đơn vị phát hành NXB Xây Dựng Ngày xuất bản 08-2022 Số trang 284 Kích thước 17 x 24 cm Loại bìa Bìa mềm Nội dung "Động đất là một hiện tượng thiên nhiên gây nhiều thiệt hại nhất về sinh mạng con người và của cải vật chất xã hội. Cách đây hơn một thế kỷ, con người đã bắt đầu nghiên cứu tìm cách xác định những tác động do động đất gây ra đối với các công trình xây dựng. Nhiều nhà khoa học kỳ vọng rằng, các kết quả nghiên cứu thu được, sẽ giúp con người xây dựng các công trình có thể bảo vệ được sinh mạng lẫn tài sản của mình, khi động đất xẩy ra.
Trong quá trình nghiên cứu, nhiều nhà khoa học đã nhận thức được rằng động đất và các tác động do nó gây ra có các đặc tính hoàn toàn khác với các tác động khác, như gió và trọng trường… Do đó, việc thiết kế các công trình chịu tác động động đất sẽ khác hoàn toàn với thiết kế để chịu các tác động khác. Hệ quả của kết luận này đã làm các nhà khoa học phải rời bỏ mục tiêu bảo vệ công trình thực hiện trong suốt 6 thập kỷ trong giai đoạn ban đầu, sang bảo vệ trực tiếp sinh mạng con người và của cải vật chất xã hội trong gần năm thập kỷ gần đây. Để thực hiện mục tiêu mới này, một quan niệm thiết kế kháng chấn mới đã ra đời, gọi là “Quan niệm thiết kế kháng chấn hiện đại”.
Hiện nay, việc nghiên cứu động đất và các tác động của nó lên công trình xây dựng trở thành một lĩnh vực khoa học đa ngành liên quan tới Động đất học công trình, Động lực học công trình, Kiến trúc học, Quy hoạch đô thị và Xã hội học, Kết cấu công trình, Toán xác suất - Thống kê… Các kết quả nghiên cứu đạt được trong xây dựng các công trình phòng chống động đất trên thế giới đã thu được những thành tựu quan trọng và góp phần to lớn vào việc hạn chế các tác hại do động đất gây ra.
Lãnh thổ Việt Nam chúng ta được xác định là vùng có hoạt động động đất. Do đó, việc nghiên cứu và tiếp thu các kết quả nghiên cứu về động đất và thiết kế công trình phòng chống động đất từ các nhà khoa học thế giới là hết sức cần thiết. Cuốn sách này đề cập tới những vấn đề cơ bản nhất liên quan tới việc tính toán tác động và thiết kế công trình nhà phòng chống động đất theo quan niệm hiện đại. Nội dung của nó được viết trên cơ sở các kinh nghiệm thu được sau 15 năm giảng dạy cao học môn học “Động đất và lý thuyết tính toán kháng chấn công trình” tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, và 5 năm tại Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, nhằm đưa TCXDVN 375:2006 và hiện nay là TCVN 9386:2012 vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội.
Nội dung cuốn sách gồm 5 chương và phần phụ lục đề cập tới các vấn đề cơ bản sau: Chương 1: Động đất và cơ sở của động đất học công trình; Chương 2: Tác động động đất thiết kế đối với các hệ kết cấu đàn hồi; Chương 3: Quan niệm thiết kế kháng chấn hiện đại và các nguyên tắc thiết kế cơ bản; Chương 4: Tính toán các hệ quả tác động động đất trên hệ kết cấu nhà và Chương 5: Thiết kế và cấu tạo phòng chống động đất cho công trình nhà."