Giới thiệu Sách - Combo Tổ chức công việc theo Khoa Học + Tổ chức công việc gia đình Mcbooks
1. Tổ Chức Công Việc Gia Đình
Công ty phát hành BIZBOOKS
Tác giả Nguyễn Hiến Lê
Nhà xuất bản Hồng Đức
Năm xuất bản 2018
Số trang 176
Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội. Một gia đình cũng có thể coi là một xã hội thu hẹp. Những công việc của một gia đình cũng chính là những công việc của xã hội như: Kinh doanh, sản xuất, giáo dục, bảo vệ sức khỏe, tổ chức những sự kiện như: lễ cưới hỏi, giỗ chạp, ma chay… Gia đình cũng cần cân đối thu chi để tích lũy phát triển…
Đặc biệt gia đình công giáo còn dành nhiều thời gian để học hỏi, cầu nguyện duy trì và phát triển đức tin, dành thời gian và tiền của cho công việc từ thiện bác ái, truyền giáo. Đó là những việc làm vừa chính đáng, vừa cần thiết đã được Thánh Công đồng Vatican II xác định trong thông điệp phát triển các dân tộc, phần phát triển toàn diện con người:
“Khát vọng của con người hôm nay là có được chắc chắn của ăn, sức khỏe, việc làm ổn định, là có được trách nhiệm nhiều hơn để khỏi bị áp bức, để thoát khỏi cảnh nhục nhã xâm phạm đến phẩm giá của con người là được học hành.
Nói tóm lại là được LÀM, được BIẾT, được CÓ nhiều hơn để SỐNG cho ra NGƯỜI hơn”.
Sách Tổ Chức Công Việc Gia Đình chủ ý viết cho các bà nội trợ nhưng các bạn trai đã lập gia đình cũng nên đọc nó. Phụ nữ có nhiều đức quý như lòng vị tha, đa cảm, đức kiên nhẫn, tự ti … nhưng thường theo trực giác mà không chịu luận lý, lại cố chấp, thiếu phương pháp. Vì vậy, nếu các ông chồng hiểu rõ những qui tắc trong cuốn này rồi giúp các bà vợ cùnh nhau tổ chức việc nhà thì kết quả sẽ mau hơn và không khí trong gia đình cũng đầm ấm hơn…
2. Tổ Chức Công Việc Theo Khoa Học - Những Điều Mọi Doanh Nghiệp Cần Thực Hiện
Công ty phát hành BIZBOOKS
Tác giả Nguyễn Hiến Lê
Nhà xuất bản Hồng Đức
Năm xuất bản 2018
Số trang 312
Thưa bạn, tám năm trước, khi cuốn này mới xuất bản lần đầu, tôi ngại nó làm mẻ mất cái vốn của một ông bạn thân. Tôi ngại cũng phải. Môn Tổ chức công việc, hồi đó, đối với quốc dân, còn lạ tai quá, ai mà để ý tới? Thậm chí có một viên kĩ sư nọ mới coi nhan đề sách xong đã liệng xuống bàn, bảo: “Người nào có óc tổ chức thì chẳng cần đọc sách của anh cũng biết tổ chức; còn kẻ nào không có óc tổ chức thì không khi nào đọc nó cả.”
Một viên kĩ sư mà còn vậy, nói chi tới người thường. Chả trách một thân phụ học sinh đã nhắn tôi: “Sao không để thì giờ dạy tư cho học sinh được nhờ, mà viết sách vớ vẩn làm gì?”
Tình trạng như vậy, tôi chỉ dám hy vọng bán được chừng năm trăm cuốn thôi. Ngờ đâu, không đầy một năm rưỡi, bán hết được hai ngàn cuốn. Tôi mừng quá, mừng cho ông bạn của tôi thì ít – ông thuộc vào hạng người không nhớ tiền của mình đã dùng vào việc gì nữa– mà mừng cho đồng bào thì nhiều. Một môn học khô khan như vậy, viết lại vụng về như vậy, mà được độc giả hoan nghênh – tôi còn giữ được vài bài báo và nhiều bức thư – thì ai mà dám bảo rằng tinh thần hiếu học, trọng phương pháp của người mình là không đáng phục kia chứ?
Mấy năm sau, tôi soạn thêm ba cuốn nữa, cuốn Kim chỉ nam của học sinh để giúp bạn trẻ tổ chức việc học, cuốn Tổ chức gia đình, cuốn Hiệu năng, châm ngôn của nhà doanh nghiệp; cả ba đều làm cho tôi phấn khởi, tin rằng phương pháp tổ chức càng ngày được quảng bá, nhất là trong giới thanh niên.
Hiện nay, sau bao cuộc biến thiên, tình hình so với tám năm trước, khác rất xa. Để xúc tiến công việc kiến thiết và giảm được phần nào sự đóng góp của quốc dân, chính phủ cần cải tổ các công sở, các cơ quan cho được nhiều hiệu năng; cho nên môn Tổ chức công việc đã được đem dạy ở vài trường Đại học và hình như đã được áp dụng trong một vài phòng giấy. Để qua được bước khó khăn lúc này mà cạnh tranh nổi với đồ ngoại hóa, các nhà doanh nghiệp cũng cần phải sửa đổi cách làm ăn, không trông cậy ở sự đầu cơ nữa mà chỉ trông cậy ở tài năng của mình. Vì những lẽ đó, môn Tổ Chức thành một môn học khẩn thiết cho gần đủ các giới. Tôi mong rằng môn đó sẽ sớm được dạy cả trong các trường trung học– từ 1947, Quốc hội Pháp đã nghiên cứu vấn đề đó ở các ban Trung học và Tiểu học – giảng trong các gia đình, và áp dụng một cách triệt để trong các công sở, cũng như tư. Và nếu chúng ta lập một Nha hoàn toàn tự trị, không tùy thuộc một bộ nào cả, chuyên lo việc tổ chức cho mọi công sở thì chắc chắn chỉ trong vài ba năm, chẳng những công việc kiến thiết tăng lên gấp đôi, phí tổn giảm đi một nửa, mà ngay đến cái bệnh quan liêu, biếng nhác, hối lộ cũng sẽ diệt được gần hết. Việc làm không khó, chỉ khó ở chỗ dám làm thôi.