Cư Trần Lạc Đạo là bài phú do vị sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam vào thế kỷ 13 viết ra. Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của đời Trần, có thể nói là vị vua lỗi lạc nhất của đời Trần, và cũng là một Thiền sư sáng chói. Sau khi xuất gia, ngài lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ.
Bài phú gồm mười Hội, trình bày phương pháp tu tập của ngài, hướng đến việc sống giải thoát ngay trong cuộc đời. “Cư trần lạc đạo” nghĩa là ở đời mà vui đạo. Tại sao ở đời vui đạo? Sao không ở đời vui đời hay bỏ đời vui đạo? Bởi vì đời, từ bản tánh đến hiện tướng của nó, là đạo. Ở đời vui đạo là nhậm vận, vô công dụng đạo, mỗi hành động đều là tự do vì nó không khởi sanh từ một tâm có phiền não, một tâm phân biệt ta người, một tâm chia cắt chủ thể đối tượng. Mỗi hành động đều tự phát, nghĩa là không vì nhân duyên gì, trong tánh Không, hiện hữu trong tánh Không, và tiêu tan trong tánh Không.
Vua Trần Nhân Tông ngộ đạo, có cái Thấy từ lúc trẻ, khi học với Thượng sĩ Tuệ Trung. Sau đó sống trong cuộc đời làm vua, lại là một vị vua trong thời chiến tranh, ngài vẫn trau dồi cái Thấy ấy trong hạnh Bồ tát, “nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm”, “Dựng cầu đò, dồi chùa tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu. Chăm hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.” Thế nên, nói về Đời, chắc khó có ai sống một cuộc đời nhiều việc đời bằng ngài. Thế nhưng chính trong cuộc đời với nhiều sự kiện, nhiều việc phải đối phó, giải quyết như vậy, ngài vẫn có thể tự tại, “ở đời vui đạo hãy tùy duyên”, Đời và Đạo không hai. Có lẽ ngài là tấm gương sáng nhất, một cuộc đời lý tưởng cho mọi người Việt học hỏi và sống theo, để được “ở đời vui đạo”, đời đạo Nhất Như.
Đặc biệt hơn, Cư Trần Lạc Đạo Phú là là bản văn đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ Việt (chữ Nôm). Tác giả đã chú giảng bản văn này bằng Thiền, Đại Toàn Thiện (Dzogchen, Maha Ati) của Ấn Tạng và bằng Kinh, với ước nguyện làm rõ Nền tảng của Phật giáo, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia và văn hóa.
TRÍCH DẪN TỪ SÁCH:
Mình ngồi thành thị,
Nết dụng sơn lâm.
Người thấy đạo, sống trong đạo thì tuy ngồi ở thành thị, nhưng trong bản tâm hay bản tánh của tâm vẫn tịch lặng, bình an, bao la như núi rừng bất động. Đây chỉ là một cách nói theo đời thường, theo chân lý tương đối, quy ước. Thật ra thành thị cũng chính là sơn lâm. Khi thấy được bản thể của tất cả các hiện tượng, bản tánh của tất cả các hình tướng, thì các hiện tượng bình đẳng trong bản thể ấy, các hình tướng bình đẳng trong bản tánh ấy. Đây là Bình đẳng tánh trí. Không có gì là thành thị lao xao của sanh tử; chỉ có một vị bình lặng an vui của Niết bàn.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính,
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Thể là thân thể, tính là bản tánh, hay bản tánh của tâm. Muôn nghiệp lăng xăng đều bình lặng, như khói bay lên trời mất hút. Đây là sự an nhàn của bản tánh, xưa nay chưa từng sanh, vô sanh. Nửa ngày, hay nửa đời, hay nửa a tăng kỳ kiếp thân tâm vẫn rỗi (rồi) rảnh, không còn có cái gì có thể lôi thân tâm này về chốn bụi bặm ồn náo phiền não. Như Kinh Viên Giác nói, “Vàng khi đã thật là vàng thì không thể thành trở lại quặng vàng”.
Tham ái nguồn dừng,
Chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý.
Thị phi tiếng lặng,
Được dầu (tha hồ) nghe yến thốt oanh ngâm.
Nguồn tham ái dừng tức là nguồn sanh tử dừng, tất cả tướng là tánh, tất cả là châu ngọc, còn cái gì khác mà tham lam nắm bắt? Thị phi tiếng lặng, tâm phân biệt ta – người, tôi và thế giới, đúng sai, xấu tốt… tan vào tánh Không. Không có gì là bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ mạng. Chỉ một tâm rỗng rang, bao la, toàn khắp; trong ấy tất cả đều thanh tịnh một cách bổn nguyên. Như Kinh A Di Đà nói: “Ở Tịnh độ, chim chóc đều là Phật A Di Đà biến hóa ra, mọi tiếng hót đều là Pháp”.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh,
Nhân gian có nhiều người đắc ý.
Biết đào hồng, hay liễu lục,
Thiên hạ năng mấy chủ tri âm?
Non xanh nước biếc là cái gì? Nói điều gì? Đào thì hồng, liễu thì lục, nhưng có mấy người “biết, hay” như vậy? Nếu biết, nếu hay bèn là tri âm. Tri âm với chính mình, với người khác, và với thế giới đang hiện bày bản tánh của chúng.
#newshop hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc! ---------------------------------- Công ty phát hành: Thái Hà Books Tác Giả: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Nguyễn Thế Đăng Số Trang: 121 Năm Xuất Bản: 12/2019 Kích Thước: 13 x 19 cm Nhà Xuất bản: Hà Nội Bìa: Mềm