Khác với phong cách trẻ trung nhí nhảnh của ""Xu Xu, đừng khóc"", thì ""Đài các tiểu thư"" chiếm trọn tình cảm của phần đông độc giả trưởng thành và có thiên hướng sống nội tâm, có lẽ vì họ tìm được sự đồng cảm với những trở trăn của đôi tình nhân kẻ Nam người Bắc trong câu truyện.
Lãng mạn và ấm áp – là cảm giác rõ rệt nhất mà chuyện tình lãng mạn này mang lại, nhưng có thể bạn sẽ thấy nhịp tình tiết có hơi chậm rãi và khai thác sâu vào những dòng tự sự của hai nhân vật chính.
Thất vọng về mối tình đầu của mình với một anh chàng người Bắc, tưởng như Du Thục không đủ niềm tin để yêu lần thứ hai. Tuy nhiên, tình yêu của Bằng đã chinh phục cô, ngự trị tâm hồn cô, khiến tâm hồn Thục lại rung lên lần nữa. Đó là mối tình sét đánh, thứ mà cô không bao giờ tin. Nhưng chính sự nồng nàn và choáng ngợp của “tiếng sét” ấy đã đánh ngã Du Thục. Nàng lại yêu, yêu một chàng trai Bắc. Cứ tưởng chim sợ cành cong, hoá ra lại là đường mòn dẫn lối. Nào ai biết được chữ ngờ, càng tránh né, lại càng va phải? Chàng là tay chơi trống cho ban nhạc đường phố – một điển hình của những nghệ sĩ hồn nhiên và bụi bặm. Chàng yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi nàng ra Hà Nội du lịch. Họ đến với nhau, rất tự nhiên, vừa nhanh lại vừa chậm, vừa xa lại vừa gần.
Họ khác nhau, từ giọng nói đến sở thích, từ thói quen đến phong cách… Họ không được sự đồng ý của hai bên gia đình… Lối kể chuyện độc đáo của “Đài các tiểu thư” khiến người đọc ngạc nhiên ngay từ trang viết đầu tiên. “Đài các tiểu thư” vừa lãng mạn vừa thực tế. Lãng mạn là khi tình yêu của họ như trò chơi cút bắt, năm lần bảy lượt tưởng đã lạc mất nhau... Đến cuối cùng, liệu những cách ngăn văn hoá và thói quen có làm đôi trẻ chùn bước với tình yêu?