Tác giả: Trần Thuận Khổ sách: 16x24 cm Số trang: 376 trang Năm xuất bản: 2021
Đàng Trong - trung tâm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực
Trước hết phải khẳng định rằng, các chúa Nguyễn Đàng Trong đã tận dụng tối đa tiềm năng của vùng đất, từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cho đến các sản phẩm của kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp vì mục đích thương mại. Tính năng động của con người sinh sống trên vùng đất phía Nam là động lực kích thích sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa phát triển ở Đàng Trong.
Chính sách cởi mở, sự ưu đãi của chúa Nguyễn đối với thương nhân nước ngoài có tác dụng lớn trong việc biến Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn, Nông Nại.... thành đại đô hội, những đầu mối kinh tế của Đàng Trong trong nền kinh tế nội địa và là một thị trường quốc tế vào thế kỷ XVII - XVIII. Với vai trò “chuyển khẩu”. Đàng Trong trở thành nơi tập trung hàng hóa của nhiều nước trong vùng như Xiêm, Cao Miên, Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Hà Lan,... Khối lượng hàng hóa được xuất bến tại Hội An ước tính gấp khoảng ba lần hàng hóa do Đàng Trong sản xuất ra. Có đến hàng trăm loại hàng được trưng bày ở các chợ, đến độ người ta không thể kể tên hết được. Chính sự phong phú này là một đặc điểm thương mại Đàng Trong ở các thế kỷ XVII - XVIII. Điều đó giúp chúng ta giải thích tại sao cảng chính của Đàng Trong là hơn hết tất cả các cảng khác ở Đông Nam Á. Hội An như một “điểm hẹn” để các nước đến buôn bán và thông qua đó, chúa Nguyễn đã thu được một nguồn lợi lớn từ thuế đánh vào thuyền buôn các nước.