Giới thiệu Sách - Đạo Osho - Trạng Thái Và Nghệ Thuật
Sách - Đạo - Trạng Thái Và Nghệ Thuật
Các bậc Đạo sư chỉ nói về “Con Đường”. Đạo nghĩa là Con Đường – họ hoàn toàn không nói về đích đến. Họ nói: Đích đến sẽ tự lo, bạn không cần phải lo lắng về đích đến.
Nếu bạn biết Con Đường thì bạn biết đích đến, bởi vì đích đến không nằm ở cuối Con Đường, đích đến nằm dọc theo Con Đường – nó ở đó mỗi khoảnh khắc và mỗi bước đi. Không phải là khi Con Đường kết thúc bạn mới tới đích; mỗi khoảnh khắc, cho dù ở đâu, bạn cũng đều đang ở tại đích đến nếu bạn đang trên Con Đường.
Ở trên Con Đường là ở tại đích đến. Cho nên, các Đạo sư không nói về đích đến, họ không nói về Thượng Đế, họ không nói về giải thoát, niết bàn, chứng ngộ – không, hoàn toàn không. Thông điệp của họ rất đơn giản: Bạn phải tìm ra Con Đường. Mọi thứ trở nên phức tạp hơn một chút khi các bậc thầy nói: Con Đường không có bản đồ, Con Đường không được vẽ ra, Con Đường không phải thứ mà bạn bám theo ai đó mà tìm ra được. Con Đường không giống như đại lộ, Con Đường giống như chim bay trên bầu trời – không để lại dấu chân phía sau. Chim đã bay nhưng chẳng có dấu vết nào để lần theo.
Con Đường không hề có lối. Nó không được làm sẵn, có sẵn; bạn không thể chỉ quyết định bước đi trên nó, bạn sẽ phải tìm ra nó. Bạn sẽ phải tìm ra nó theo cách của riêng mình, cách của người khác sẽ không khả dụng. Đức Phật đã bước, Lão Tử đã bước, Jesus đã bước, nhưng con đường của họ sẽ không giúp bạn được bởi vì bạn không phải là Jesus, bạn không phải là Lão Tử và bạn không phải là Đức Phật. Bạn là bạn, một cá nhân độc nhất vô nhị. Chỉ bằng cách bước đi, chỉ bằng cách sống cuộc sống của mình, bạn mới tìm ra Con Đường. Đây là thứ có giá trị lớn lao.
Đó là lý do tại sao Đạo giáo không phải một tôn giáo có tổ chức – không thể. Nó có tính tôn giáo thuần khiết, nhưng không phải là một tôn giáo có tổ chức. Bạn có thể là một Đạo nhân nếu bạn sống một cách chân thực và ngẫu hứng; nếu bạn đủ can đảm tiến vào cái không biết một mình, như một cá nhân; nếu bạn không dựa vào ai, không theo sau ai, cứ thế đi vào đêm tối mà không biết sẽ đến đâu hay có bị lạc lối không. Nếu bạn có can đảm thì bạn có lựa chọn đó. Nó đầy mạo hiểm. Nó đầy phiêu lưu.
Thiên Chúa giáo, Hindu giáo và Hồi giáo là những đại lộ: Bạn không cần mạo hiểm bất cứ điều gì – bạn chỉ cần theo sau đám đông. Với Đạo, bạn phải đi một mình, bạn phải ở một mình. Đạo đề cao cá nhân, không đề cao xã hội. Đạo đề cao sự độc đáo, không đề cao đám đông. Đạo đề cao tự do, không đề cao tiêu chuẩn. Đạo không có truyền thống. Đạo là một cuộc nổi dậy và là cuộc nổi dậy vĩ đại nhất
-----------------------------------
Nhà Phát Hành: Thái Hà Books
Nhà Xuất Bản: Hà Nội
Tác Giả: Osho
Dịch Giả: Lê Xuân Khoa
Hình Thức: Bìa Mềm
Số Trang: 290
Kích Thước: 14 x 20 cm
Ngày Xuất Bản: 07 - 2019
- Về Tác Giả:
Osho là một nhân vật “ngoại hạng”, bởi vì ông không thể được xếp vào một trường phải cụ thể nào. Hàng ngàn bài giảng ông chia sẻ bao trùm mọi chủ đề - từ việc khám phá ý nghĩa tồn tại của bản thân cho đến những vấn đề khẩn thiết nhất của xã hội đương thời hay vấn đề liên quan đến chính trị. Osho nói: “Hãy nhớ, bất cứ điều gì tôi đang chia sẻ không chỉ dành cho bạn... mà tôi cũng đang trò chuyện với cả những thế hệ tương lai nữa”.
Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong "1.000 Người kiến tạo của thế kỷ 20”. Còn tờ Sunday Mid-Day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong mười người – cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật – thay đổi vận mệnh của Ấn Độ.
Osho xác nhận rằng ông đang tạo điều kiện cho sự ra đời của một chủng loại người mới. Ông thường gọi “loài người mới” này là “Zorba Phật” – hình tượng kết hợp giữa Zorba “tay chơi Hy Lạp", đại diện cho chủ nghĩa khoái lạc và sự an nhiên tự tại của Đức Phật Cô Đàm.