Tác giả: Vĩnh Thông Khổ sách: 13x20.5 cm Số trang: 232 trang Năm xuất bản: 2021
Thượng châu thổ Cửu Long là cách gọi của địa lý học dành cho tiểu vùng tương đối cao và nằm ở phía trên trong thủy trình sông Cửu Long ở Nam Bộ - Việt Nam. Nó cùng với ba bộ phận còn lại là Hạ châu thổ Cửu Long, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau và ven vịnh Thái Lan, hợp thành Đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nam Bộ.
Để đứng vững trên mảnh đất này đã khó, tiến trình kiến tạo văn hóa cũng không hề đơn giản. Sự tiếp xúc của những làn sóng văn hóa buộc di dân dù thuộc bất kỳ truyền thống nào cũng phải có biện pháp ứng xử thích hợp. Sau ba trăm năm, thượng châu thổ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã có cho mình một diện mạo văn hóa đặc thù và đặc sắc.
Trong bức tranh toàn cảnh đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy phủ trùm lên hệ thống văn nhóa của cư dân thượng châu thổ Cửu Long, nhất là bình diện văn hóa phi vật thể, chính là thành tố tín ngưỡng - tôn giáo. Với những tiền đề đặc thù, tiểu vùng này trở thành môi trường thuận lợi để các tín ngưỡng - tôn giáo hình thành và phát triển. Từ đó, thành tố này ảnh hưởng trở lại các thành tố khác trong hệ thống văn hóa, khiến hầu hết mọi mặt trong đời sống của người dân nơi đây đều thấp thoáng có bóng dáng của yếu tố tâm linh.
Trong sách, tác giả tạm sắp xếp các bài viết vào bốn mục là: Địa danh & Nhân vật, Tín ngưỡng - Tôn giáo, Đời sống & sinh hoạt và Tản mạn dọc đường. Ba mục đầu gồm các bài nghiên cứu, trong đó có những tác phẩm được tác giả chỉnh sửa so với bản công bố lần đầu. Bên cạnh những bài nghiên cứu là một số bài báo dưới hình thức dân tộc ký được tác giả tập hợp vào mục Tản mạn dọc đường ở phần cuối sách.