Giới thiệu Sách Đi bán đam mê - Những câu chuyện khởi nghiệp
Tác giả: Đỗ Quang Tuấn Hoàng Khổ sách: 15 x 23 cm Số trang: 340 trang Năm xuất bản: 2018
Những năm gần đây, khởi nghiệp đã trở thành thuật ngữ quen thuộc trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là với thanh niên, những người có nhiệt huyết cao và khát khao cống hiến. Được sự quan tâm của Nhà nước cùng sự giúp sức của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn gây dựng cơ sở, mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước. Trào lưu khởi nghiệp phần nhiều khởi phát ở giới trẻ và chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn. Song song đó, nhiều sách hướng dẫn khởi nghiệp, dạy làm giàu được dịch thuật, phổ biến rộng rãi, nhưng nội dung chưa thực sự gắn với điều kiện thực tế, đặc thù của nước ta. Khát khao về một quyển sách giới thiệu những gương mặt khởi nghiệp Việt Nam, hướng dẫn mỗi người tận dụng những điều kiện sẵn có của bản thân, tại chính quê hương mình để gây dựng sự nghiệp, làm giàu chính đáng, nhà báo Đỗ Quang Tuấn Hoàng, hiện là Phó ban Nghiên cứu Phát triển tại Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đã ghi chép, tập hợp các bài viết trên hành trình đi đến khắp các vùng miền trên cả nước, từ đô thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến các buôn làng vùng cao.Tác phẩm Đi bán đam mê - Những câu chuyện khởi nghiệp ra mắt bạn đọc từ những dự định đó. Bốn mươi mốt bài viết là bốn mươi mốt chân dung khởi nghiệp ấn tượng. Cô gái người K’ho Rolan Cơ Liêng ở Lâm Đồng với thương hiệu K’ho Coffee, anh Trần Lê Trung ở Hà Giang với việc phục hồi danh trà mạn hảo đã thất truyền..., góp phần khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường. Nghệ nhân Mua Sính Pó ở Hà Giang với biệt danh “vua khèn H’mông”, anh Trần Minh Thái ở Mèo Vạc, Hà Giang với những cố gắng lưu giữ nhà cổ Chúng Pủa, ông Hà Công Nhấm ở Mai Châu, Hòa Bình cần mẫn ghi chép những nét văn hóa đặc sắc của người Thái địa phương…, đó đều là những sản phẩm du lịch độc đáo, vừa góp phần vào lưu giữ những nét văn hóa bản địa đặc sắc. Hai thế hệ của anh nông dân Nguyễn Phi Sinh, Nguyễn Phi Trường ở Hoài Đức, Hà Nội phát triển nghề sản xuất phân vi sinh và làm than từ tái chế chất thải, vừa tạo ra nguồn lợi vừa bảo vệ môi trường. Anh Phan Ngọc Minh sản xuất nhiều sản phẩm mỹ nghệ - giải trí đặc sắc từ giấy vụn, cô gái Lê Thị Lương dệt nên những kỷ lục hoa… là những câu chuyện khởi nghiệp từ niềm đam mê sâu sắc. Mỗi câu chuyện được viết bằng niềm đam mê và khát vọng vươn lên, họ đã vượt qua những khó khăn trong buổi đầu gây dựng sự nghiệp, cố gắng tận dụng những điều kiện sẵn có nơi mình sinh sống, tìm được lối đi riêng, hướng tới phục vụ cộng đồng, đồng thời bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chúng tôi hy vọng rằng những câu chuyện khởi nghiệp cùng với triết lý kinh doanh thú vị được kể lại trong quyển sách này sẽ góp phần khuyến khích nhiều người cùng khởi nghiệp, làm ăn tử tế để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội.