Tác giả: Trương Hiểu Minh Dịch giả: Ths. Trương Lệ Mai Khổ sách: 15.5x23 cm Số trang: 132 trang Năm xuất bản: 2012 NXB Tổng hợp TPHCM
Đồ nội thất là người bạn đồng hành thân thiết trong cuộc sống hằng ngày của con người.
Lúc đầu, đồ nội thất chỉ đơn giản nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt ăn ngủ cơ bản nhất của con người, sau đó cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, sự thay đổi về thói quen sinh hoạt và sự tiến bộ của kỹ thuật công nghệ, đồ nội thất cuối cùng đã dung hòa giữa tính khoa học, tính nghệ thuật và tính thực tế, trở thành đồ dùng sinh hoạt có mối quan hệ mật thiết với con người. Trong tiến trình phát triển của đời sống con người, đồ nội thất cho dù là của Trung Quốc hay phương Tây cũng đều duy trì mối liên hệ mật thiết với các mặt chính trị, xã hội, kinh tế, tư tưởng, văn hóa và cách sống, vừa thể hiện đặc điểm độc lập riêng biệt vừa tương tác bổ sung cho nhau. Đồ nội thất, một mặt là một tác phẩm nghệ thuật có chức năng thực tế; mặt khác, mang đậm tính xã hội, là minh chứng quan trọng cho sự phát triển lịch sử của một dân tộc và một quốc gia, đồng thời cũng là vật chứng quan trọng chứng minh cho bước tiến của nền văn minh của xã hội loài người. Vì vậy, đồ nội thất Trung Quốc không chỉ được con người xem là một nhu yếu phẩm sinh hoạt, cũng không đơn thuần chỉ là một tác phẩm tiêu biểu của nghệ nhân, mà còn là một vật chứng quan trọng cho sự phát triển của lịch Trung Quốc, là biểu tượng của đặc điểm lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc Trung Hoa. Đây cũng là nguyên nhân chính giải thích hiện tượng đồ nội thất truyền thống Trung Quốc đang được lùng sục, sưu tầm ngày càng nhiều trong những năm trở lại đây. Đồ nội thất Trung Quốc là vật tiêu biểu xuất sắc cho nền nghệ thuật Trung Quốc, mang đậm nét phong cách nghệ thuật phương Đông, được tôn vinh là viên ngọc sáng của nghệ thuật phương Đông. Xét về đặc điểm của đồ nội thất Trung Quốc, từng có người cho rằng, đồ nội thất Trung Quốc đã phát huy hết toàn bộ đặc tính và thể hiện hết nét đẹp của chất liệu gỗ; cũng có người nói, đồ nội thất Trung Quốc hoàn thiện về mặt nghệ thuật tạo hình, đường nét tinh xảo, suôn mượt, kết cấu hợp lý, thẩm mỹ; nhưng cũng có người nói, quan trọng nhất là sự tinh xảo của công nghệ chế tác, tra mộng vừa khít, các phụ kiện trang trí trang nhã cổ điển, quả thật là không gì sánh bằng; và cũng có người cho rằng, quan trọng là “cái thần” lịch sử lâu đời của đồ nội thất, lối cách điệu nghệ thuật trang nhã, thanh tao và sức quyến rũ của phong cách nghệ thuật muôn hình vạn trạng.