Mã hàng: 8938539539222 Nhà cung cấp: Thiện Tri Thức Nhà xuất bản: Dân Trí Tác giả: David J. Lieberman Năm xuất bản: 2023 Số trang: 304 Trọng lượng: 320gr Kích thước: 20.5 x 14 x 1.5 cm Loại bìa: bìa mềm
Đọc Vị Tâm Trí - Khám Phá Xem Người Ta Nghĩ Gì, Muốn Gì Và Thực Sự Là Ai
Ba mươi năm qua tôi đã tìm cách nhìn thấu bản chất con người qua tâm lý học để cải thiện chất lượng cuộc sống và mối quan hệ của chúng ta.
Năm 1998, tôi có viết một cuốn sách đặt tên là Nerver be lied to again (Không thể bị dối lừa), giới thiệu kỹ thuật cụ thể nhằm giúp mọi người dò được những mánh lới trong cuộc sống hàng ngày.
Gần một thập kỷ sau, tôi viết cuốn You can read anyone (Đọc vị bất kỳ ai), là cuốn tiếp theo của cuốn đầu và đã cập nhật một số kiến thức khoa học về việc đọc vị người khác.
Giờ thì, lại gần một thập kỷ nữa trôi qua, nhờ nỗ lực nghiên cứu tâm lý ngôn ngữ học, khoa học thần kinh và khoa học nhận thức, khoa học hành vi mà cuốn sách mới này đã đạt được một bước nhảy vượt bậc. Tôi sẽ giới thiệu với các bạn những phương pháp mới nhất trong việc đọc vị người khác, rồi sau đó bạn sẽ thấy mình gần như là có khả năng “đi guốc trong bụng” người ta vậy.
Dù trong trường hợp nào - từ một câu chuyện tán gẫu tới một cuộc thương thảo hợp đồng triệu đô - thì bạn vẫn sẽ biết rõ đối phương đang nghĩ gì, đang cảm thấy gì, bất kể ngoài mặt họ nói gì chăng nữa. Bạn sẽ hiểu điều gì đang nằm sâu trong tiềm thức của họ, ngay cả khi chính bản thân họ có thể phủ nhận và không chịu (hoặc không thể) đối diện một cách có ý thức với chính suy nghĩ, cảm xúc, nỗi sợ của mình.
Chúng tôi viết Đọc vị tâm trí với kỳ vọng rằng những kỹ thuật trong cuốn sách này sẽ được sử dụng một cách có trách nhiệm, để thắp sáng, truyền sức mạnh và động lực cho các bạn. Chúng được viết ra không phải để bạn có nhiều ưu thế hơn người khác mà là để bạn có thể đối xử tốt hơn với người khác trong cuộc đời này và lạc quan hơn về khả năng và trách nhiệm của bạn.
- Tác giả: David J. Lieberman ĐỊA VỊ VÀ QUYỀN LỰC TRONG MỐI QUAN HỆ
Có một quy tắc bất thành văn trong mọi văn hóa là người địa vị thấp hơn thì không ra lệnh cho người địa vị cao hơn; họ, do đó, phải nói lịch sự và nhẹ nhàng mỗi khi đưa ra yêu cầu. Ví dụ, một tiếp viên hàng không sẽ mời hành khách “ổn định chỗ ngồi” chứ không phải “ngồi xuống”. Lẽ thường và các nghiên cứu khoa học đã nhất trí về việc địa vị tỷ lệ thuận với mức độ lịch sự. Khi bạn nhờ ai đó, hoặc yêu cầu ai đó, bạn sẽ cân nhắc ngôn từ để nó phù hợp với trọng lượng của yêu cầu và khoảng cách quyền lực giữa hai người. Địa vị thấp (hoặc tâm trạng bất an nói chung) sẽ được bộc lộ thông qua việc người đó nghĩ mình cần phải cẩn trọng lựa lời như thế nào. Chúng ta lựa lời thông qua một trong những cách sau hoặc kết hợp các cách này lại với nhau:
- Chỉ cần thêm làm ơn hoặc xin: “Đưa lọ muối cho tôi” thành “Làm ơn đưa lọ muối cho tôi” - Biến câu mệnh lệnh thành câu hỏi: “Đóng cửa lại” thành “Anh có thể đóng cửa lại không?” - Thêm đi vào cuối câu: “Đóng cửa lại” thành “Đóng cửa lại đi” - Tối thiểu hóa hoặc giảm mức độ yêu cầu: “Cô có thể ở lại muộn được không?” thành “Cô có thể ở lại muộn một chút được không?” hoặc “Có lẽ cô ở lâu thêm một chút nhỉ?” - Tỏ ý xin lỗi vì đã đưa ra yêu cầu: “Tôi cần anh đến sớm” trở thành “Xin lỗi phải nói với anh thế này nhưng…” - Yêu cầu gián tiếp: “Mấy giờ rồi ấy nhỉ?” trở thành “Anh có đồng hồ không?” - Diễn đạt một lời yêu cầu thành một quy tắc: “Không lặn dưới hồ.” trở thành “Nghiêm cấm lặn dưới hồ.” - Tuyên bố sự thật: “Đi đổ rác đi.” trở thành “Thùng rác đầy rồi.” - Diễn đạt yêu cầu dưới dạng thông báo khả năng: “Giờ thì hãy đút thẻ tín dụng của anh vào” trở thành “Giờ anh có thể đút thẻ vào được rồi đấy.” - Xin phép được yêu cầu: thay vì đưa ra yêu cầu thẳng thừng, người ta mào đầu bằng “Tôi có thể nhờ anh chuyện này được không...”
Xin phép được yêu cầu có thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro và nó được minh họa trong câu chuyện sau đâu. Tôi có một người bạn thân đứng đầu nhóm quyên góp tài trợ cho một tổ chức phi lợi nhuận rất lớn. Mỗi ngày anh đều kêu gọi được hàng trăm ngàn, đôi khi hàng triệu đô la. Thỉnh thoảng, anh sẽ quay trở lại một nhà tài trợ cũ vừa mới quyên tiền một tháng trước đó - và xin thêm tiền nữa. Trong khi một số người nghĩ rằng việc làm này là bất bình thường thì anh lúc nào cũng duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với những nhà thiện nguyện này. Bí quyết gì khiến anh có thể tránh làm phiền họ? Rất đơn giản. Anh không xin thêm tiền. Thay vào đó anh hỏi liệu anh có thể nhờ cậy một việc này được không. Bạn thấy sự khác nhau ở đây chưa? Nếu anh xin tiền thẳng thừng thì anh đã đặt đối phương vào cái thế phòng thủ và có nguy cơ biến mình thành kẻ vô ơn, do đó tạo ra một thế tranh giành quyền lực. Nhưng khi anh hỏi liệu anh có thể nhờ cậy việc gì đó thì anh đặt người thiện nguyện kia vào thế nắm quyền kiểm soát, và như thế là loại bỏ ý thức dè chừng của họ. Tại sao? Vì người quyên tiền có thể nói không với câu hỏi ấy, mà không cần nói không với đòi hỏi xin tiền.