Giới thiệu Sách - Đọc Vị Tuổi Dậy Thì Và Hội Chứng Tuổi Teen
Công ty phát hành: Thái Hà Tác giả: Lee Jin Ah Ngày xuất bản: 04-2020 Kích thước: 15.5 x 24 cm Dịch Giả: Dương Quỳnh Thu Loại bìa: Bìa mềm Số trang: 282 Nhà xuất bản: NXB Lao Động
Các phụ huynh có con tuổi dậy thì không cần sự dạy bảo hay hướng dẫn một chiều mà họ mong muốn được đồng cảm và động viên. Bọn trẻ rất vất vả khi lần đầu tiên đối diện với tuổi dậy thì, và đối với các phụ huynh đang ở giai đoạn tiền mãn kinh thì đây cũng lần đầu tiên họ đồng hành cùng bọn trẻ đang tuổi dậy thì nên bản thân họ cũng vất vả không kém. Hồi tưởng lại những cung bậc cảm xúc của cha mẹ và con cái mà tôi có cơ hội gặp gỡ trong nhiều năm qua, khiến tôi một lần nữa có động lực viết, để gửi gắm lời động viên đến họ. Tôi hy vọng quý bạn đọc, đặc biệt với các phụ huynh cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy những đứa trẻ phải trải qua thời kỳ dậy thì một cách khó khăn sẽ được an ủi và cảm nhận rằng “À, thì ra những người khác cũng như vậy. Không phải chỉ có một mình tôi phải vất vả thế này!”. Lúc tôi dành sự quan tâm và bắt đầu nghiên cứu về “hội chứng tuổi teen” thì con gái nhỏ của tôi mới đang học lớp Tám. Vậy mà chẳng mấy chốc con bé đã bước sang tuổi 20. Con gái đã bước qua giai đoạn dậy thì để trưởng thành giờ đây lại động viên tôi, người mẹ đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Cô bé hay nói với tôi rằng: “Mẹ cũng có thể như vậy mà!” mỗi khi tôi cảm thấy mệt mỏi hay bực bội chỉ vì những việc rất nhỏ nhặt. Chỉ với một câu nói đó của con gái thôi cũng trở thành nguồn sức mạnh to lớn hơn bất kỳ lời an ủi nào khác. Tôi vô cùng cảm kích bởi người an ủi tôi lúc này lại chính là cô con gái mới chỉ vài năm trước còn đang vất vả để vượt qua giai đoạn tuổi dậy thì.
Có rất nhiều bậc cha mẹ đang lo lắng vì không thể giao tiếp được với con cái. Có phải nguyên nhân của vấn đề này nằm ở chỗ: thay vì cha mẹ trò chuyện với con một cách chân thành thì họ lại chỉ mong con phải nghe và tuân theo đúng những gì mình nói không? Nếu các bậc cha mẹ có suy nghĩ giống như vậy thì sẽ không bao giờ có thể giao tiếp được với con mình. Nếu bạn là người mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, có thể trò chuyện vui vẻ với con thì trước tiên bạn phải là người biết lắng nghe câu chuyện của con mình.
Ngày nay, tuổi dậy thì không còn được coi là một loại bệnh. Nó chỉ giống như chứng bệnh dị ứng, cái bệnh dễ mắc phải và trở nên nặng hơn vào mỗi mùa xuân và mùa thu mà thôi. Bạn chỉ cần duy trì việc uống nhiều nước, giữ độ ẩm phù hợp, nếu tình trạng nghiêm trọng hơn thì uống thuốc và kiên nhẫn một chút thì bệnh tình sẽ dần thuyên giảm – đó chính là Cách chữa bệnh dị ứng. Giống như việc chữa dị ứng, thay vì lo lắng nóng vội để chữa trị thật nhanh triệu chứng bệnh, tuổi dậy thì của con bạn cũng sẽ trôi qua thật nhẹ nhàng, chỉ cần bạn luôn nghĩ con mình đang trưởng thành để đừng quá căng thẳng. Hãy luôn luôn khen ngợi con và kiên nhẫn chờ đợi là được. Người ta nói rằng nếu gãi nhiều quá thì cũng làm xước da, nhưng kể cả cái vết thương ấy cũng là một một phần tất yếu của quá trình trưởng thành. Hãy cứ dõi theo nó với một ánh mắt đầy tự hào và đợi chờ vết thương đó lành lại. Việc tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái, những trẻ lần đầu tiên trong đời đang phải vất vả đương đầu với tuổi dậy thì đó là: bất kỳ lúc nào! hãy luôn luôn! thường xuyên! chào đón chúng với nụ cười thật tươi trên khuôn mặt.
Điểm khác biệt giữa tuổi dậy thì và hội chứng tuổi teen? Thông thường, tuổi dậy thì nếu sớm thì sẽ bắt đầu vào giai đoạn khi trẻ học lớp Bốn, nếu muộn thì sẽ bắt đầu vào lớp Mười một. Khi trẻ vào học lớp Bốn phản ứng đầu tiên thể hiện trẻ bước vào tuổi dậy thì sẽ là sự “khó chịu”. Ví dụ: khi mẹ gọi: “Này 00, ra ăn cơm đi!”, nếu là trẻ trước khi dậy thì sẽ không có phản ứng gì mà chạy ra ăn cơm luôn, nhưng nếu là trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ chẳng thèm phản ứng gì, hoặc sẽ càu nhàu khó chịu: “Con không ăn!”, hoặc sẽ gào lên: “con đã bảo không ăn rồi còn gì”. Trong tình huống này, các phụ huynh cứ bình tĩnh và hãy tự nhủ rằng: “À! Con bắt đầu vào giai đoạn dậy thì rồi đây!”
Hội chứng tuổi teen, tuỳ thuộc vào từng trẻ sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó nằm trong giai đoạn từ lớp Năm đến lớp Tám. Giai đoạn dậy thì được đặt mốc vào năm lớp Tám có những lý do rất xác đáng. Về mặt thể chất, ở giai đoạn tiểu học, trẻ vẫn chưa phát triển một cách toàn diện; còn lên cấp Ba thì trẻ lại ở trạng thái căng thẳng cao độ do áp lực thi đại học. Vì vậy, trẻ có bắt đầu giai đoạn tuổi dậy thì ở tiểu học thì người lớn vẫn coi chúng là con nít. Với những trẻ có biểu hiện Hội chứng tuổi teen khi đang học cấp Ba thì người lớn lại dễ dàng tìm lý do cho những thay đổi đó là vì “căng thẳng áp lực thi cử” và nghĩ nó sẽ qua nhanh thôi.