Giới thiệu Sách - Đông Dương (Một Nền Thuộc Địa Nhập Nhằng Giai Đoạn 1858 - 1954)
ĐÔNG DƯƠNG: MỘT NỀN THUỘC ĐỊA NHẬP NHẰNG, GIAI ĐOẠN 1858 - 1954
NỘI DUNG CHÍNH Pháp thuộc là giai đoạn lịch sử quan trọng đối với tương lai của các xã hội trên bán đảo Đông Dương, dù nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Là trụ cột chính trong hệ thống thuộc địa Pháp, Đông Dương bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào hiện nay. Sau năm 1945, đây là một trong những nơi diễn ra phi thực dân hóa quyết liệt nhất, trước khi lại khơi mào cho xung đột vũ trang của cuộc Chiến tranh Lạnh và cuộc đối đầu giữa thế giới thứ ba với phương Tây. Dựa trên tư liệu, tác phẩm và các công trình cũ-mới, cuốn sách này đề cập đến những nhập nhằng trong xung đột và trong tiếp xúc giữa thực dân và dân bị trị. Nó đặt vấn đề về quá trình đô hộ của Pháp trên bán đảo, những cấu trúc và vận hành của bộ máy quyền lực cũng như bộ máy khai thác kinh tế, sự rạn nứt của xã hội thuộc địa và các xã hội bị trị, những động lực bất cân xứng của phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, những chủ nghĩa quốc gia và các biến động xã hội trên toàn cõi Đông Dương. Cuối cùng, nó tập trung làm rõ sự phi thực dân hóa và cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Tác phẩm vô song này, được cập nhật đầy đủ kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1994, đã trình bày những kiến giải mới mẻ và đặt nghi vấn lịch sử về một khu vực văn minh vốn có tầm quan trọng không thể đo đếm trong vận mệnh của thế giới.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA “Một tác phẩm nền - đầy rẫy biểu đồ, bản đồ và phụ lục - về Đông Dương thuộc địa. […] Các tác giả có tham vọng vượt lên trên cả diễn văn khải hoàn của chính chế độ thực dân.” LE MONDE DES LIVRES
“Pierre Brocheux và Daniel Hémery - hai tài năng không thể bàn cãi mà sự đóng góp cá nhân đã được chứng thực bằng nhiều công trình trước đó - trong tác phẩm này, đã cố gắng thâm nhập vào một cuộc phân tích từ xa, thậm chí hoàn toàn khách quan, vốn là công việc của sử gia; và có thể nói rằng họ đã thành công.” ÉTUDES
TRÍCH ĐOẠN HAY “Muốn khai thác thuộc địa châu Á, chính là tham vọng thực hiện một ảo tưởng và rước tai họa vào thân. Các vị đã không hề nghĩ rằng những dân tộc châu Á này sánh ngang với chúng ta; rằng họ đã có cả một nền văn minh còn lâu đời hơn cả nền văn minh của chúng ta; rằng họ vẫn còn giữ được ký ức và niềm kiêu hãnh. Họ đã biết tự do là gì và họ sẽ muốn giành lại nó. Chẳng phải khó khăn gì cũng dự đoán được là sau khi tiếp xúc với nền văn minh của chúng ta, được đón nhận những luồng tư tưởng tự do lan tỏa khắp thế giới, họ sẽ mau chóng thức tỉnh để rồi nhen nhóm trong mình một mong muốn độc lập vốn là cái đích đến vươn tới và là vinh quang của các dân tộc. Họ sẽ có một ngày nổi dậy và cuộc nổi dậy của họ sẽ nhất thiết phải giành được chiến thắng bởi đặc ân bất diệt của tự do là khải hoàn khắp nơi.” (Diễn văn của Jules Delafosse, nghị sĩ theo chủ nghĩa Bonaparte của vùng Calvados tại Hạ nghị viện vào ngày 22 tháng Mười hai năm 1885) (Trang 414)
Những thay đổi kinh tế, xã hội và kỹ thuật là những tác nhân tạo ra sự thay đổi về văn hóa, nhưng trong một chế độ thực dân nói riêng, đường lối của Nhà nước đế quốc cũng mang tính quyết định. Nhà nước áp đặt đường hướng lên giáo dục, lên xuất bản, lên báo chí và điện ảnh. Nó tài trợ cho chúng hoặc kiểm duyệt chúng; nó cản trở hoặc tạo điều kiện cho con người đi lại và tri thức được truyền bá. Nhà nước cũng thực thi một sự kiểm soát đối với phong tục và thông qua đó thúc đẩy hoặc kìm hãm sự thay đổi những nếp nghĩ. (Trang 318)
Những mối quan hệ và sự mâu thuẫn nội tại của cộng đồng người Pháp ngày càng bộc lộ “trong con mắt bọn man di”, theo lối nói của Claude Farrère. Người Việt Nam, người Cao Miên, người Lào… sớm nhận ra họ đang đối mặt với một khối đồng nhất: những vị chủ nhân cai trị không chỉ có những điểm yếu, mà giữa họ với nhau còn có những sự đối lập về lợi ích kinh tế, chính trị, tôn giáo và cá nhân, tức chừng ấy những cơ hội mà người dân bản xứ có thể nắm lấy để công kích chính quyền, để rồi phản kháng và chiến đấu chống lại nền cai trị của người Pháp. (Trang 277)
THÔNG TIN THÊM 1. Ai phù hợp với tác phẩm này ? - Đối tượng độc giả quan tâm đến mọi vấn đề của Việt Nam thời Pháp thuộc, giai đoạn 1858-1954. - Là tài liệu tham khảo quan trọng đối với các sinh viên đang theo học ngành sử học, Việt Nam học,... 2. Điểm đặc biệt: - Đây là công trình kinh điển trong mảng sách nghiên cứu về Đông Dương, là tài liệu tham khảo cho mọi nhà nghiên cứu về Việt Nam thời Pháp thuộc. - Cuốn sách nằm trong Tủ sách Hiểu về Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ.
Số trang: 688 Bìa mềm, tay gấp Khổ: 16x24cm NXB: Thế Giới Năm XB: 2022 Tác giả: Pierre Brocheux & Daniel Hémery BTV thực hiện: Nguyễn Quang Diệu Nhà cung cấp: Omega Plus