Giới thiệu Sách - Đức Phật Trên Cõi Phù Du (Bìa Cứng) - Thích Phước An
Tên sách: Đức Phật trên cõi phù du (Bìa cứng) Tác giả: Thích Phước An Hình thức: Bìa cứng Khổ: 15x22cm Số trang: 328 trang Nhà xuất bản: NXB Phụ nữ Việt Nam Nhà cung cấp: NXB Phụ nữ Việt Nam Năm xuất bản: 2022
Tác giả: Sư ông Thích Phước An Sinh năm 1949 tại Bình Định Từng học tại Phật Học viện Trung phần Hải Đức. Hiện đang tu tập tại chùa Hải Đức (đồi Trại Thủy, thành phố Nha Trang)
Đức Phật trên cõi phù du khởi đầu với Thích Phước An từ những ngày xa xưa, khi ông còn là một chú tiểu nương nhờ cửa Phật – ngôi chùa quê hẻo lánh với người trụ trì là sư chú của ông làm trụ trì. Ngôi chùa làng dưới chân núi ấy đã được khai lập từ đời ông Sơ của tác giả, vốn quyết định “âm thầm về lại làng xưa, một mình lặng lẽ vào sâu trong chân núi dựng thảo am để tu trì”. Đức Phật khi tại thế rất chú trọng đến sự tĩnh lặng, người tìm đến rừng cây, giác ngộ dưới cội cây và trong suốt thời gian thuyết Pháp, khai mở cho đồ đệ có duyên.
Ra đi từ tuổi trẻ để tìm thấy con đường giác ngộ và Đức Phật cùng giáo lý của ngài đã thổi sạch bụi bặm trong tầm nhìn, tuệ giác của bao người trẻ tuổi đồng thời như Lại Tra Hòa La, Phất Ca Sa Lợi hay chàng trai trẻ bình thường Thiện Sinh. Tất cả nói lên một điều, Đức Phật luôn bình đẳng trong giao tiếp với tha nhân, khi có duyên hội. Tuổi trẻ thường có dự phóng lớn và nếu biết tránh những cạm bẫy tham đắm, rời xa bốn loại bạn chỉ “xúi việc bài bạc”, “rong chơi không phải thời”, “xúi uống rượu”, “thân cận bạn ác” để đồng hành cùng những bạn lành “cùng chịu khổ vui”, “thương tưởng”, “khuyên điều lợi”, “giúp đỡ” thì có thể thành tựu trong kiếp đang sống. Bài Đức Phật với những người trẻ tuổi trong kinh A Hàm nhắc câu chuyện giữa Đức Phật và vua Câu Lao Bà, đôi dòng liên tưởng giữa Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse, nhận định tác giả của hình tượng Siddhartha đã đọc qua Trung A Hàm đã soi chiếu nhiều cho người trẻ khi lựa chọn lẽ sống cuộc đời. Thích Phước An đã bắt đầu trang sách cho bạn đọc bằng mối liên hệ bằng hữu giữa ông và Bùi Giáng trong một ngày tháng xa lơ nào, mấy trang giấy nhắc lại hình ảnh “Cố quận”bùi ngùi cõi đời trôi nổi, phiêu bạt – “thế gian”. Rất nhiều người đã lý giải cõi đời và những thống khổ có thể nhìn thấy hoặc ẩn sâu trong suy tư nhưng có lẽ bước ngoặc lớn lao nằm ở quyết định của Đức Phật, “khi Phạm Thiên Sahampati thỉnh đến lần thứ ba thì Đức Phật mới dùng con mắt trí tuệ của mình quan sát thế gian” và ngài dùng hình ảnh so sánh con người với hoa sen, khác biệt nhiều nhưng vẫn luôn vươn lên dù “cùng ở dưới bùn” mà “vươn lên được rồi thì không hề dính bùn nhơ”. Rabindranath Tagore – thi nhân đi tìm vô hạn trong vòng tay của bà mẹ cát bụi là tiêu đề bài viết tác giả nhắc đến một nhà thơ luôn muốn vươn đến “vô hạn ngay ở kiếp này”, bởi “vô hạn là vấn đề sống chết”. Trên hành trình với ngôn từ và thi ca ấy, Tagore đã thấy lề lối giáo dục tốt nhất còn giúp con người hòa nhập với vạn vật, bởi chính điều này nằm trong giáo pháp của Đức Phật, giúp con người thoát ra khỏi ràng buộc khổ đau.
Xuất gia từ rất sớm, tác giả Thích Phước An đã đi một đoạn dài trên “cõi phù du” với niềm say mê Phật pháp, lúc lững lờ như “đám mây trắng trên mái chùa xưa” trong tâm tưởng, haymột biểu tượng của thế giới tâm linh như rặng Hy Mã Lạp Sơn, đặt cạnh “con đường thôn dã của quê hương”. Hành trình ấy vẫn tiếp nối trên những trang sách Đức Phật trên cõi phù du – nhẹ nhàng hướng về bạn đọc.