Giới thiệu Sách Gieobooks - Chuyện Cũ Bên Dòng Sông Tô
Thông tin sản phẩm Mã hàng 9786049895746 Nhà Cung Cấp Gieobooks Tác giả Viên Mai Nguyễn Công Chí NXB NXB Văn Học Năm XB 2020 Ngôn Ngữ Tiếng Việt Trọng lượng (gr) 600 Kích Thước Bao Bì 20.5 x 14.5 cm Số trang 588 Hình thức Bìa Mềm
Mô Tả Sản Phẩm Chuyện cũ bên dòng sông Tô - những câu chuyện được biên soạn theo lời kể và các văn bản của một dòng họ nổi tiếng ở Hạ Thái – làng quê ven Kinh thành Hà Nội xưa, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ cuộc sống của một vài gia đình hay một dòng họ tại một làng cổ ven đô, mà là một phần hiện thân của dòng chảy lịch sử, văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ thời phong kiến đến thời kỳ thực dân đô hộ, chứa đựng trong đó những kiến thức lịch sử, văn hóa, truyền thống, nét đẹp ngàn năm được lưu giữ và truyền lại của bao thế hệ người Việt Nam.
Dọc theo dòng chảy của Tô Giang, những trang sách tựa như dòng chảy của lịch sử hơn hai trăm năm - từ thời Hậu Lê đầu thế kỷ 18 tới những năm trước cách mạng tháng Tám 1945 của thế kỷ 20 - mang tới cho người đọc hậu thế những bất ngờ thú vị khi được khám phá truyền thống, văn hóa của đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ - Thăng Long tứ trấn với cách nhìn từ xa tới gần, từ toàn cảnh tới chi tiết.
Chuyện của một dòng họ nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội đương thời nên càng đậm tính thời đại. Truyền thống gia đình, tình cảm cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em, đạo thầy trò, tình bằng hữu, tình làng nghĩa xóm và cao hơn là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm, mỗi thời điểm được thể hiện theo cách thức khác nhau, nhưng đều đại diện cho vẻ đẹp bản sắc truyền thống của người Việt Nam: thật thà, chất phác, trung hậu, ái quốc.
Nét phong phú trong từng nếp nghĩ, đặc sắc, tinh tế trong từng nếp sống, lối ứng xử, và sự biến đổi của văn hóa theo thời gian cũng được khắc họa đậm nét trong tác phẩm. Những câu chuyện mộc mạc bên bát điếu và tích nước chè tươi nơi chõng tre đầu làng, bữa cỗ “ngả con lợn béo thết làng” huyên náo ngày giỗ chạp tại vùng nông thôn; hay sự tao nhã “cửu nguyệt đăng sơn” trong tiết thu, sự trang trọng nghi lễ cúng tổ tiên đầu năm Tết Nguyên Đán, sự cầu kỳ bữa cỗ cưới, rộn rã cỗ Trung thu, thanh nhã bữa ăn khuya, tinh tế nơi bữa quà điểm tâm của người Kinh Kỳ - Kẻ Chợ… dưới ngòi bút tả chân của tác giả, đều như diễn ra sống động, gần gũi ngay trước mắt người đọc.
Nguồn gốc các địa danh Chợ Hôm, chợ Mơ, các con phố hàng, phố chợ cũ mà sau này đã đổi tên hoặc sáp nhập như Hàng Lam, Hàng Bát, Hàng Thuốc Nam, Hàng Áo Cũ, Hàng Chè, Hàng Tiện, Hàng Kèn… đều được kể lại tỉ mỉ, chi tiết; vẻ đẹp của thành quách, núi đồi, sông nước, bến thuyền nơi Kinh thành xưa cũng hiện ra vô cùng diễm lệ, nên thơ.
Những câu chuyện giản dị mà chân thực này tựa như kho tàng văn hóa quý báu để thế hệ mai sau thêm hiểu và trân quý các giá trị truyền thống của dân tộc, một chút luyến tiếc nhè nhẹ xen vào dòng suy tư khi tưởng nhớ về quá khứ, để rồi niềm tin yêu và lòng tự hào về mảnh đất Kinh đô ngàn năm văn hiến lại trào dâng và mạnh mẽ hơn trong mỗi trái tim người Việt Nam.