Tác giả: Nguyễn Hữu Nam NXB: Văn Học Khổ sách: 14.5 x 20.5 cm Số trang: 194 trang Năm phát hành: 2018
Tiểu thuyết Gốm lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử vị vua cách mạng Hàm Nghi bị phế truất khỏi ngai vàng, bí mật tham gia phong trào Cần Vương trước khi phải chịu cảnh lưu đày biệt xứ tận Phi châu. Song song trong đó là câu chuyện gặp gỡ tình cờ giữa chàng thợ gốm trẻ tuổi tài hoa đến từ làng Phước Tích và tay chủ lò gốm Long Trường đến từ Đại Pháp. Trong quá trình hoàn thiện bức tranh gốm vẽ chân dung đương kim hoàng đế, cả hai bất ngờ bước vào cuộc đối đầu tư tưởng căng thẳng, vào xung đột về quan điểm và xu hướng sáng tạo nghệ thuật, sự khám phá bản thể và đối phương.
Như tác giả Nguyễn Hữu Nam chia sẻ, khi bắt tay viết Gốm anh không có nhiều vốn liếng kiến thức về nghề cổ truyền này. Đọc tư liệu thôi chưa đủ, anh tham gia những hội chợ đồ gốm, rong ruổi ở làng gốm Tân Vạn, vào từng hộ có lò gốm đang trên bờ lăn lốc, tàn lụi… Những người thợ gốm nhem nhuốc lam lũ với thù lao ít ỏi đang cố giữ cái nghề truyền thống mà cha ông trao truyền, những con người mang vẻ muôn năm cũ ấy, rách giấy vẫn cố giữ lấy nghề ấy được anh tái hiện trên nền cảnh của ngôi làng có “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế” bên dòng Ô Lâu hiền hòa xứ Huế thế kỷ XIX. Ở Gốm, có những trang viết dành cho nghề gốm cổ truyền tuyệt mỹ của dân tộc, và sự ngưỡng vọng dành cho đức vua Hàm Nghi.
Tác phẩm Gốm của Nguyễn Hữu Nam là một cuốn sách lạ. Bằng thứ văn chương đẹp và hiện đại, anh đã góp phần làm mềm hóa lịch-sử-của-những-phận-người. Tác giả đã chọn cách viết theo lối cổ vật kể chuyện, 12 chương sách là 12 câu chuyện của món đồ vật mang màu sắc đặc trưng của nghề gốm cổ truyền: màu lam ngọc - bộ bình pha cà phê, màu hoàng thổ - cái chóe, màu chàm - miếng gốm mật lệnh, màu đen - cây trâm cài, màu da lươn - bộ trà cụ… Ẩn trong câu chuyện của mỗi món đồ vật là số phận của những con người trẻ tuổi tài hoa đã tạo nên chúng với dụng ý cá nhân. Tất cả mang đến cho độc giả những cảm nghiệm tuyệt vời về nghề gốm cổ truyền, sự hưng phế của triều đại, bi kịch tình yêu, lòng ái quốc và sự va chạm Đông-Tây xuyên suốt tác phẩm.