Sách - Hãy Trỗi Dậy, Việt Nam! Tác giả Vũ Minh Khương Nhà xuất bản NXB Tri Thức Đơn vị phát hành NXB Tri Thức Ngày xuất bản 11-2020 Số trang 588 Kích thước 16 x 24 cm Loại bìa Bìa mềm Nội dung """Sinh ra ở đời, ai cũng có ước mơ. Ước mơ không chỉ là kim chỉ nam cho mục tiêu hướng tới tương lai mà còn là động lực mạnh mẽ thôi thúc người ta căng tầm mắt đại bàng để thấu hiểu thời thế và quả cảm vượt qua mọi trở ngại, kể cả khiếm khuyết của chính mình, để không ngừng đi lên trên hành trình gian khó của cuộc đời. Trong muôn vàn ước mơ của mình, người Việt Nam ta, có lẽ ai cũng chia sẻ và thôi thúc bởi một khát vọng hun đúc từ ngàn đời về một ngày dân tộc ngẩng cao đầu, một quốc gia phồn vinh, một xã hội chứa chan tình yêu thương và ý thức trách nhiệm trong sự sâu sắc về đạo lý và anh minh về công lý. Những hy sinh vô bờ bến của biết bao thế hệ người Việt Nam hàng nghìn năm qua là minh chứng bi hùng về sức mạnh vô song của người Việt Nam trong theo đuổi khát vọng mãnh liệt này.
Nghĩ về đất nước thấy trách nhiệm, nhìn ra thế giới cháy ước mơ. Có lẽ tâm trạng này đã làm trăn trở bao thế hệ người Việt Nam và sẽ trở thành một động lực vô song góp phần đưa dân tộc vượt lên phía trước trong các thập kỷ tới. Vào năm 2045, nếu Việt Nam đã làm nên những kỳ tích phát triển để trở thành một quốc gia hùng cường khi kỷ niệm 100 năm độc lập của mình, dân tộc Việt Nam sẽ ghi vào lịch sử nhân loại một huyền thoại mà ít dân tộc có được. Đó là, chỉ trong vòng đúng 100 năm, 1945-2045, một thời gian ngắn ngủi so với lịch sử lâu dài của mình, dân tộc Việt Nam đã trải qua cả ba dạng thức bi hùng và kịch tính của sinh tồn và phát triển – “vùng dậy”, “thức dậy”, và “trỗi dậy” – với những hy sinh và nỗ lực phi thường để đi đến mục tiêu cao cả mà đời đời trăn trở khát khao.
Trải qua ba thập kỷ “Vùng dậy” (1945-1975), dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ ý chí “dời non lấp biển” của mình trong quyết tâm giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Với ba thập kỷ “Thức dậy” (1986-2016), Việt Nam đã đạt được những thành quả phát triển ấn tượng nhờ lòng quả cảm vượt qua quá khứ và nỗ lực sống động của mình trong nắm bắt đổi thay và hội nhập quốc tế. Trong ba thập kỷ tới, khi đất nước tiến tới kỷ niệm 100 năm độc lập vào ngày 2/9/2045, Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm nên những kỳ tích “Trỗi dậy” với những bước nhảy lượng tử mà ít dân tộc có thể làm được. Nó đòi hỏi cả dân tộc có bước tiến nhảy vọt từ thức dậy về tư duy lên trỗi dậy về tầm nhìn; từ quyết tâm cởi trói về cơ chế lên năng lực kiến tạo nên nền tảng phát triển cho một xã hội phồn vinh; từ nỗ lực hội nhập lên ý chí đưa dân tộc lên một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Để biến khát vọng trỗi dậy trở thành hiện thực, bước đi đầu tiên không phải là tìm kiếm cơ hội mà là nhận thức rõ những thách thức chiến lược mà công cuộc phát triển của Việt Nam phải vượt qua. Trong đó, khiếm khuyết trong tư duy phát triển của xã hội, hạn chế trong phẩm chất hợp tác của cộng đồng, và tầm vóc còn hạn chế của giới tinh hoa, có lẽ là những trở ngại lớn nhất.
Khiếm khuyết trong tư duy phát triển của xã hội thể hiện ở sự thiên lệch coi phát đạt cao hơn phát triển. Phát đạt là sự gia tăng về thu nhập, nâng cấp về điều kiện vật chất (như của cải dự trữ, nhà cửa, trang thiết bị, và hạ tầng cơ sở), và mở rộng về thanh thế, quan hệ. Trong khi đó, phát triển được đo bằng tính tự trọng và lòng tôn trọng người khác, tầm nhìn và khả năng sáng suốt trong tổng hợp thông tin để ra các phán xét và quyết định, biết trân trọng cái mình đang được hưởng, và ý thức tự đánh giá lại mình trong trách nhiệm với bản thân, tập thể, và xã hội. Trong khi phát đạt có thể được tạo ra nhờ những nỗ lực nhất thời hoặc may mắn, phát triển tạo nên nền tảng căn bản có tính cấu trúc cho một sự thịnh vượng lâu dài. Thiên lệch về phát đạt, coi nhẹ phát triển có thể làm mạnh lên những yếu tố đi ngược lại sự phát triển, gây nguy cơ tiềm ẩn cho sự suy tàn. Đây cũng chính là lý do mà nhiều gia đình phát đạt nhưng con cái hư hỏng; nhiều công ty ăn nên làm ra một thời bị sa lầy vào đấu đá nội bộ hoặc các thương vụ làm ăn chụp giật phi pháp; đất nước có tăng trưởng cao nhưng nền tảng phát triển lâu dài ngày một suy yếu.
Về triết lý phát triển, mỗi chúng ta, dù là người dân hay chủ doanh nghiệp, giới trí thức hay tầng lớp lãnh đạo, đều nên ý thức rõ rằng mỗi quyết định của mình đều mang lại kết quả được đánh giá trên ba thước đo: “hiệu quả”, “hiệu lực”, và “tiến hóa”. “Hiệu quả” là thước đo đánh giá sự phát đạt thông qua lợi ích vật chất và danh vọng thu được. “Hiệu lực” và “tiến hóa” là các thước đo liên quan đến phát triển. “Hiệu lực” đánh giá giá trị bản sắc mang lại cho xã hội. “Tiến hóa” nhìn nhận di sản để lại cho hậu thế. Nếu xét về cá nhân, giá trị của một con người theo thước đo “hiệu quả” là vốn tài sản và danh vọng người đó đã tích tụ được. Trong khi đó, thước đo “hiệu lực” dựa trên sự cảm nhận đương thời của cộng đồng và xã hội; còn thước đo “tiến hóa” dựa trên sự cảm nhận của thế hệ mai sau. Thấu hiểu cấu trúc giá trị này s