Công ty phát hành: Thái Hà Tác giả: Francie Healey Dịch giả: Bùi Thu Vân Nhà xuất bản: Công Thương Năm xuất bản: 2021
Vào năm 2017, từ honjok (phát âm là hon-juk) – một từ ám chỉ tới nền văn hóa phản kháng, đi ngược số đông – trở thành một thuật ngữ thông dụng tại Hàn Quốc. Rất nhiều người Hàn trẻ bắt đầu dùng từ này làm hashtag để mô tả bản thân và những hoạt động của mình. Hon là viết tắt của honja, nghĩa là một mình; jok nghĩa là bộ tộc. Nói đơn giản, honjok có nghĩa là “bộ tộc cô độc”. Mặc dù chưa có định nghĩa xã hội học chính xác cho nhóm người phù hợp với thuật ngữ này; nhưng nhìn chung, những người honjok lựa chọn thực hiện các hoạt động một mình và tối đa hóa sự độc lập của họ, khước từ những giá trị xã hội tập thể của Hàn Quốc vốn luôn đặt nhu cầu và mong muốn của cộng đồng lên cao hơn cá nhân. Những người honjok cũng chống đối lại áp lực lập gia đình hạt nhân truyền thống – họ thường bỏ qua hôn nhân và lựa chọn sống cô độc theo cách của riêng mình.
Bấy lâu nay, khái niệm “người cô độc” luôn được nhìn nhận theo cách tiêu cực và đau khổ. Trong một thế giới đề cao tính tập thể mà chúng ta đang sống, nơi mà cộng đồng và việc thuộc về đâu đó được xem là nhu cầu bẩm sinh và thiết yếu của con người, khái niệm “người cô độc” luôn đối lập với những gì xã hội cho là có lợi đối với sự phát triển phồn thịnh. Nhắc đến người cô độc là sngười ta hình dung ra một cá nhân chống đối xã hội, không có bạn bè cũng như cuộc sống xã hội – một người sống ẩn dật trong cô quạnh, dù là do hoàn cảnh hay lựa chọn. Những người cô độc được xem như những kẻ bị ruồng bỏ, dù họ thực sự bị xã hội khước từ hay tự lựa chọn tránh né con người; họ được coi như sống bên lề xã hội. Trở thành một người cô độc thường bị đánh giá là “kỳ quặc” hoặc “không bình thường” ở một mặt nào đó, xét trên thực tế con người là loài có tập tính xã hội. Thế nhưng, cách nhìn nhận này hoàn toàn trái ngược với lối sống độc thân tích cực của những người honjok đang ngày càng gia tăng về số lượng. Honjok hoàn toàn không khiến họ bất mãn và mất đi khả năng phát triển. Lối sống độc thân đã được chứng minh là có lợi cho việc thúc đẩy sức mạnh sáng tạo và đổi mới tâm trí con người.
Mục lục:
Chương 1: Bộ tộc cô độc
Honjok Hàn Quốc, họ là ai?
Chương 2: Một trạng thái tinh thần: Cô đơn hay cô độc?
Chương 3: Nghệ thuật nhận thức
Chương 4: Những hoạt động một mình
Trích đoạn sách:
Khi ở một mình, bạn sẽ quan sát và lắng nghe suy nghĩ của bản thân. Trong thâm tâm, chúng ta đều đã có câu trả lời, vấn đề chỉ là chúng ta phải để cho bản thân cất lời và chân thành lắng nghe. Do đó, khoảng thời gian một mình sẽ cho chúng ta không gian và thời gian chiêm nghiệm để phát triển sự tự nhận thức bản thân. Thời gian chiêm nghiệm giúp chúng ta:
– Tận dụng trực giác và chân lý để có thể đưa ra quyết định tốt hơn.
– Suy ngẫm và tìm ra câu trả lời cho hầu hết các câu hỏi cấp bách.
– Biết được chúng ta là ai và chúng ta cần gì để có thể phát triển.
Khoảng thời gian một mình cũng cho phép chúng ta khám phá và chú ý đến những kiểu hành vi của bản thân – cách chúng ta phản ứng và phản hồi các tình huống – từ đó có thể tìm ra cách điều chỉnh hành vi và phản hồi tích cực hơn. Theo đó, khoảng thời gian một mình có thể là một công cụ tự hoàn thiện bản thân rất hữu dụng. Thêm nữa, khoảng thời gian này cũng có thể nuôi dưỡng những hạt giống ý tưởng của chúng ta và tạo điều kiện cho chúng phát triển. Lối sống chiêm nghiệm này là một trong những món quà của honjok – giúp chúng ta lấy lại sức mạnh và tái xác định điều gì là quan trọng đối với mình trên phương diện cá nhân
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!