Tác giả: Phạm Thiên Thư Khổ sách: 14.5x20.5 cm Số trang: 144 trang Năm xuất bản: 2012
Tự nhận mình trở thành nhà thơ chỉ là chuyện… đột dưng nhưng chắc hẳn không ai trong chúng ta không biết đến ca từ nhẹ nhàng, da diết trong tuyệt phẩm Ngày xưa Hoàng thị mà Phạm Duy phổ nhạc: “Em tan trường về; Đường mưa nho nhỏ; Chim non giấu mỏ; Dưới cội hoa vàng…”. Người viết nên vần thơ trong trẻo ấy chính là Phạm Thiên Thư. Thơ ông dẫu viết về tình yêu cũng nhẹ nhàng đến lạ, chỉ dám khẽ chạm tay vào như sợ nó tan đi mất, nhưng lại làm cho độc giả xao xuyến không quên. Các tập thơ tình của ông có thể kể đến: Ngày xưa Hoàng thị, Động Hoa Vàng, Trại hoa đỉnh đồi, Quyên từ độ bỏ thôn Đoài,… Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ở Hải Phòng. Ông từng quy y nhưng sau đó hoàn tục bởi ông tâm niệm “người ta có thể tìm thấy chân lý của Thiền ngay trong cõi trần tục”. Chính bởi có hiểu biết sâu sắc về Phật giáo nên xuyên suốt thơ ông là triết lý đạo Phật. Ông là người thi hóa Kinh Phật, diễn đạt các giáo lý vi diệu của Phật bằng ngôn ngữ của thi ca, giúp độc giả đến với Phật pháp một cách tự nhiên nhất như chuyển Kinh Kim Cương thành tập thơ Kinh Ngọc - Qua suối mây hồng, Kinh Hiền Ngu thành tập thơ Kinh Hiền Hội Hoa Đàm. Trong tập thơ từng đoạt giải nhất văn chương Đoạn trường vô thanh, qua câu chuyện hậu Kiều tác giả đã khéo léo lồng ghép tư tưởng của đạo Phật: khổ, không, vô ngã…