Tác giả : Lep Tônxtôi Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam Đơn vị phát hành Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam Ngày xuất bản: 2010 Số trang:384 Kích thước: 16 x 24 cm Loại bìa:Mềm
=================================
Nội dung : Đại văn hào Nga Lep Tônxtôi (1828 – 1910) được giới thiệu ở Việt Nam khá sớm và sáng tác của ông có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là đối với các nhà văn và công chúng yêu văn học.
Từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong các bài báo, các cuộc tranh luận văn chương của chúng ta, Lep Tônxtôi đã được viện dẫn như một bậc thầy văn chương, một chỗ dựa tin cậy về quan điểm nghệ thuật. Các tiểu thuyết Phục sinh, Anna Karênina đã được trích dịch hoặc dịch in một phần.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới ảnh hưởng to lớn của truyện ngắn Tônxtôi đối với việc viết văn của Người và tự nhận mình là “Người học trò nhỏ của nhà văn vĩ đại Tônxtôi”. Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là sau năm 1954, sáng tác của Tônxtôi đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Các tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Anna Karênina, Phục sinh, tập Truyện chọn lọc của Lep Tônxtôi đã đến tay bạn đọc. Nhiều phim chuyển thể từ các tác phẩm kể trên cũng được chiếu rộng rãi trên màn ảnh Việt Nam. Đã có một số chuyên luận, bài nghiên cứu, luận án thạc sĩ và tiến sĩ viết về sự nghiệp sáng tác, đặc biệt là về tiểu thuyết của Lep Tônxtôi.
Tônxtôi là một thiên tài nhiều mặt với hoạt động vô cùng phong phú. Ông vừa là nhà văn, vừa là nhà giáo dục độc đáo và nhà hoạt động xã hội nhiệt thành. Riêng trong sáng tác văn chương, Tônxtôi không chỉ nổi tiếng với các tác phẩm văn xuôi mà còn lưu lại cho đời mấy vở kịch nổi tiếng.
Duy Kịch của Tônxtôi hầu như còn rất ít được nghiên cứu ở Việt Nam. Năm 1970, Nguyễn Nam dịch và giới thiệu hai vở kịch Thi hài sống và Quyền lực bóng tối của Tônxtôi qua bản in rônêô của Vụ Nghệ thuật Sân khấu. Cho đến nay chưa vở kịch nào của Tônxtôi được diễn ở Việt Nam.
Thật đáng ngạc nhiên trước vốn hiểu biết rộng của nhà văn Nguyễn Tuân bởi vì trong bài viết năm 1960 về LepTônxtôi, ông đã nhắc tới vở kịch Thế rồi ánh sáng lóe lên trong tối tăm rất đậm chất tự thuật của Tônxtôi.
Ngay ở Liên Xô và Nga, kịch của Tônxtôi cũng chưa được chú ý đúng mức, thậm chí có lúc còn bị coi nhẹ. Có thể nói chuyên luận Kịch của L.Tônxtôi của K.Lômunôp (Nhà xuất bản Nghệ thuật, Matxcơva, 1956) là công trình đồ sộ đầu tiên nghiên cứu mảng sáng tác quan trọng này của Tônxtôi. Với vốn tư liệu rất phong phủ, công trình nghiên cứu sâu sắc này của nhà "Tônxtôi học" lão thành, uyên bác đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu kịch của L.Tônxtôi. Khác với K.Lômunôp, trong giáo trình Kịch của L.Tônxtôi (Nhà xuất bản Đại học, Mátxcơva, 1982), V.V. Ôxnôvin muốn tiếp cận kịch Tônxtôi từ góc độ kiểu loại học thể loại. Công trình của Ôxnôvin giúp chúng tôi đặt kịch Tônxtôi trong thế đối sánh với kịch Nga thế kỷ XIX.