Giới thiệu Sách - Kim Bình Mai (Trọn Bộ 3 Tập) - NNB
Công ty phát hành Nhã Nam Tác giả: Lan Lăng Tiếu Tiếu sinh Ngày xuất bản: 03-2016 Kích thước: 15 x 24 cm Nhà xuất bản: Văn Học Loại bìa: Bìa mềm Số trang: 140
GIỚI THIỆU SÁCH Kim Bình Mai
Kim Bình Mai là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nền văn học cổ điển Trung Quốc. Ra đời vào thời Gia Tĩnh (1522 - 1566) triều Minh, tác phẩm được coi là bộ trường thiên tiểu thuyết mở đường cho thể loại truyện "thế tình" tạo được sức hấp dẫn lớn đối với người đọc.
Dựa theo và phát triển từ một số tình tiết trong tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am (chuyện Võ Tòng giết hổ trên đồi Cảnh Dương, Tây Môn Khánh thông dâm với vợ của Võ Đại Lang là Phan Kim Liên lập mưu giết chết Võ Đại Lang, Võ Tòng giết cả hai để báo thù cho anh), tác phẩm đi sâu khắc họa cuộc sống hưởng lạc đồi trụy của đám quan lại, thổ hào giàu tiền của, đầy quyền thế mà điển hình là Tây Môn Khánh, vẽ nên một cách khái quát và sinh động bức tranh xã hội đen tối thời đó. Tây Môn Khánh là một tên ác bá chuyên đục khoét của dân, một tên dâm quỷ hiện hình, đã có cả bầu đoàn thê thiếp vẫn cưỡng dâm con gái nhà lành, giết chồng đoạt vợ, cuối cùng kết thúc bằng cái chết vì bệnh dâm dục. Gắn với hắn là ba người phụ nữ: Phan Kim Liên, Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai (tên của ba nhân vật này ghép lại thành tên tác phẩm Kim-Bình-Mai), nổi bật nhất là Phan Kim Liên được xây dựng như một điển hình cho loại phụ nữ hoang dâm, dám giết chồng để thỏa mãn nhục dục, sau đó lại xảo quyệt bưng mặt khóc và lập bàn thờ chồng để che mắt thế gian.
Xung quanh những kẻ dâm ô khét tiếng này là nhiều hạng người, từ du thử du thực như Trương Thắng, Lưu Nhị, lưu manh vô lại Ứng Bá Tước, cho đến những thái giám, kép hề, con hát, bà mối… tất cả đều giống nhau ở sự bỉ ổi, mất nhân cách. Những miêu tả cặn kẽ về thói ăn chơi sa đọa, dâm dục - vùng cấm kị của văn chương Nho giáo - mà tác phẩm từng bị cho là truyện khiêu dâm. Tuy nhiên, điều đó lại giúp tác giả phản ánh trung thực bản chất của xã hội phong kiến với tất cả tội ác, đọa đày. Do đó, dù bị cấm, cuốn tiểu thuyết vẫn được chép tay, khắc bản, in ấn, lưu truyền rộng rãi trong dân chúng, hấp dẫn cả các nhà Nho. Đó là lí do giải thích vì sao trong quá trình lưu hành tác phẩm đã sản sinh ra khá nhiều dị bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được dựng thành phim…