Giới thiệu Sách - Làm mẹ với tâm Phật – Cùng con tới trường
Dịch giả: Minh Thu NXB: Hà Nội Số Trang: 296 Tác giả: Sarah Napthali Công ty phát hành: Thái Hà Năm xuất bản: 2021 Cuốn sách sẽ đề cập đến những giáo lý, góc nhìn Phật giáo, lời giảng của Đức Phật; rồi từ đó chỉ ra những cách tiếp cận thiết thực, hữu ích cho các bà mẹ khi họ phải đối mặt với các vấn đề của con trẻ, cũng như trong cuộc sống. Những người mẹ sẽ hiều những lợi ích của việc an trú trong hiện tại, cảm nhận trọn vẹn từng khoảnh khắc – họ không còn quá buồn khổ, lo lắng cho quá khứ và tương lai. Họ sẽ trở nên tự do, và tận hưởng hạnh phúc lâu dài.
MỤC LỤC:
Lời nói đầu
Chương 1: Áp lực
Chương 2: Cân bằng
Chương 3: Sự buồn chán
Chương 4: Lý giải
Chương 5: Hòa nhập xã hội
Chương 6: Lan tỏa
Chương 7: Sợ hãi
Chương 8: Bản ngã
Chương 9: Khuôn phép
Chương 10: Hạnh phúc
Tôi có một ý tưởng thế này
Phụ lục: Mười bốn giới Tiếp Hiện của Thầy Thích Nhất Hạnh
TRÍCH ĐOẠN HAY:
CÂN BẰNG
Tại sao con người ta đều cảm thấy khó khăn mỗi khi muốn điều hòa cuộc sống của mình? Cuộc đời lắm gian truân khổ ải, vậy ta phải làm gì? Ta luôn tìm cách an ủi bản thân bằng việc trốn tránh ở nơi tận cùng của một phổ tư tưởng, trói buộc cuộc đời ta dưới cái bóng của một “chủ nghĩa” nào đó, như một số người chọn theo chủ nghĩa khoái lạc, chạy theo những thú vui tiêu khiển và lẩn trốn nỗi khổ đau; số khác thì lại chạy theo tư tưởng “tham công tiếc việc”. Suy cho cùng, chúng ta đều được quyền chọn lựa một lý tưởng sống cho mình, như chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tự tôn, chủ nghĩa độc tửu (hay còn gọi là chứng nghiện rượu), chủ nghĩa cơ yếu (là chủ nghĩa yêu cầu đặt niềm tin tuyệt đối vào một tôn giáo, đức tin) hay thậm chí là chủ nghĩa hoàn hảo.
Trên thế gian muôn trùng thái cực này, cuộc sống gia đình cũng không phải là điều ngoại lệ. Mặc dù thế hệ của chúng ta thường bị coi là “thế hệ phụ huynh bảo thủ”, thường giữ vững những quan điểm, lập trường chắc chắn và cứng nhắc về việc làm phụ huynh tốt là như thế nào, nhưng sự bảo thủ trong cách ta nuôi dạy con cái cũng chẳng giúp chúng ta tìm lại được sự bình thản, hạnh phúc hay nội tâm thanh tịnh nào. Với những bà mẹ ngày nay, họ đều đang phải chịu những loại áp lực chưa từng có trước đây, ví dụ như việc làm sao để trở thành một người mẹ tốt, những thứ áp lực phi thực tế và có thể gây ra hậu quả khôn lường, khiến người mẹ đánh mất lòng từ bi với chính bản thân. Ita Buttrose và Penny Adams đã miêu tả trong cuốn Mặc cảm người mẹ của họ như sau: “Những bà mẹ hiện đại thời nay đang phải chịu một cuộc khủng hoảng mặc cảm lớn, nó khủng khiếp vô cùng và đặc biệt chỉ những người nắm giữ thiên chức làm mẹ mới có – mặc cảm người mẹ!”
Đức Phật cũng không yêu thích gì chủ nghĩa cực đoan, chính vì vậy Ngài đã dạy chúng ta Trung đạo. Trước khi đắc đạo trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã từng được sống trong nhung lụa sau những bức tường hoàng cung kiên cố mà phụ vương của Ngài xây nên nhằm bảo vệ thái tử trẻ tuổi khỏi muôn sự đau khổ ngoài kia. Và đến khi được ra ngoài, thái tử đã chứng được nỗi đau của vòng luân hồi sinh lão bệnh tử mà chúng sinh đang phải chịu đựng. Tâm trạng u sầu, Ngài quyết ra đi tìm con đường giải thoát cho muôn vật khỏi dukkha, hay còn gọi là khổ – cái mà chúng ta hiểu là nỗi thống khổ, áp lực hay bất cứ tên gọi nào khác của sự bất mãn. Tất Đạt Đa đã dành ra sáu năm cuộc đời mình để sống với những nhà tu khổ hạnh khác, Ngài từ bỏ mọi sự sung sướng, điều mà hầu hết những nhà tu hành đều làm vào thời ấy. Sau cùng, Ngài nhận ra dù có làm vậy cũng không thể giải phóng Ngài khỏi vòng xoay luân hồi của nỗi thống khổ.
Vào thời điểm ấy, Ngài đã khám phá ra được rằng lối sống xa hoa vui thú mà Ngài có khi còn sống ở hoàng cung sẽ không bao giờ có thể chấm dứt khổ đau, và dù có tự hành xác khổ hạnh cũng không làm nỗi khổ kết thúc. Trong bài giảng đầu tiên của Đức Phật ngay sau khi giác ngộ, trước cả khi Ngài giảng dạy những bài kinh cốt lõi, Đức Phật đã gọi phương pháp của mình là Trung đạo, tức là tránh xa hai thái cực: đam mê trụy lạc và tự hành xác.