Tác giả: Nam Phong Tùng Thư - Phạm Quỳnh chủ nhiệm Khổ sách: 13x20 cm Số trang: 124 trang Năm xuất bản: 2020 NXB Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM
“Lịch sử là cái gương cho người đời; nếu biết tường việc trước có thể đoán được việc sau, dẫu không đoán được đúng hẳn, nhưng cũng biết cái đại thế các việc trong thiên hạ, hễ nguyên nhân nhân thế thì kết quả thế, khi thi thố ra công việc cũng tránh được nhiều sự sai lầm”.
“Nhà làm sử xét một xã hội nào phải biết cả những thói ăn cách ở của những người trong xã hội ấy; càng những việc nhỏ việc thường, đối với con mắt nhà sử học, lại có quan hệ lắm, vì là tiêu biểu được cái tình trạng thông thường trong xã hội. Bởi thế nên lịch sử không phải là chỉ khu khu trong những việc trận mạc, việc vua quan, mà bao quát cả các chế độ, tư tưởng, phong tục, kinh tế, các trạng thái phiền phức về xã hội. Lịch sử ngày nay tràn sang khắp cả các khoa học khác, không có một khoa học nào mà không có một phần lịch sử ở trong. Cái quan niệm rộng rãi về lịch sử đó mới khởi ra từ thế kỷ XIX, nên có người đã gọi thế kỷ ấy là “thời đại của lịch sử” (le siècle de l’histoire)”.
Xét riêng từng dân từng nước, thời mỗi nước mỗi dân có một cái văn hóa riêng, khác với văn hóa của các dân các nước khác. Nhưng xét chung cả vạn quốc trong thế giới, thì hình như cả nhân loại đều theo một con đường tiến hóa chung, trải đời ấy sang đời khác, tự dã man đến bán khai, tự bán khai đến văn minh, tới ngày nay thời đã đến một cõi văn hóa đại đồng, tuy ở trong có dân hơn dân kém, trình độ sai nhau, mà xét đại thế thời cũng là thuộc vào một thời kỳ trong lịch sử. Cho nên nhà sử học xét về văn minh tiến hóa, có thể theo hai phương diện khác nhau: một là khảo về lịch sử văn minh riêng của từng nước; hai là khảo về lịch sử văn minh chung cả thế giới. Phương diện trên là phương diện chuyên môn, phương diện dưới là phương diện tổng quát. Chuyên môn thời vụ cho tinh tường, tổng quát thì chủ lấy khắp đủ. Một thế kỷ về trước, cuộc đời chửa mở mang, các nước còn bế cảng, nhà sử học dẫu có tài bao quát đến đâu cũng không mong lý hội (*) được hết các việc của vạn quốc; cho nên tuy nước nào có lịch sử nước ấy, biên chép rõ ràng, mà chửa ai tổng hợp cả sử riêng của các nước, làm ra một bộ sử chung của nhân loại, cho biết giống người ta từ khi mới xuất hiện trên mặt đất đã qua bao nhiêu trình độ mới tới ngày nay, và trong cái công khai hóa chung cả thế giới, mỗi dân mỗi nước đã giúp được phần nào. Ngày nay khoa học tấn tới, vạn quốc thông đồng, việc một trăm năm trước chửa ai làm, bây giờ đã nhiều người chuyên trị, và những sách về “Thế giới văn minh sử” hiện nay ở nước nào cũng đã có. Song bao gồm cả lịch sử loài người, từ thuở ăn lông ở lỗ cho đến đời tàu lặn tàu bay, phạm vi không khỏi to tát quá, dù nhà bác học tận tụy một đời cũng chửa mong khảo cứu được khắp, chẳng qua là phác họa được cái đại cương mà thôi. Bởi thế nên các nhà sử học chuyên trị về lịch sử văn minh thế giới, thường chia ra những thời kỳ lớn, mỗi thời kỳ đối với một việc đại sự hay là một cuộc đại biến trong thiên hạ, có ảnh hưởng sâu đến cuộc tiến hóa chung, mỗi thời kỳ cách nhau tới trăm nghìn năm, khác nào như cắm mốc trên con đường dài, mỗi cái xa nhau tới trăm nghìn thước vậy. Những cái mốc ấy, người đi đường tất phải biết, mới đo được bước đường mình đã qua, rõ được trình độ mình đã tới, và ngó thấy tiền đồ còn phải đi. Bởi thế không thể không biết qua các thời kỳ lớn trong lịch sử văn minh thế giới; mục đích sách này chính là để cống hiến cho các nhà hiếu học trong nước ta mấy điều cốt yếu về lịch sử loài người mà ai ai cũng cần phải biết vậy.