Giới thiệu Sách - Nào Cùng Nhón Chân (Văn học thiếu nhi)
Tác giả: Nguyễn Mỹ Nữ Khổ sách: 13x20cm Số trang: 120 Giá bán: 75,000 VNĐ ISBN: 978-604-1-22960-0 Nhà Xuất Bản Trẻ Giới thiệu tóm tắt tác phẩm:
Nào cùng nhón chân - tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ gồm 15 truyện ngắn dung dị, đầy nhân văn và tình người. Đó có thể là lời cảnh báo về sự thiếu kết nối trong gia đình của xã hội hiện đại, mỗi người đều bận nhìn vào màn hình điện thoại, để đứa trẻ trong nhà phải cô đơn "Chơi với gấu bông". Đó có thể là câu chuyện cảm động về tình bạn của 2 bạn nhỏ trong "Đôi bạn... Ùm", biết nhà bạn nghèo, thiếu ăn nên đứa có cái ăn luôn múc cơm ra rủ bạn "ùm" chung. Hay hóm hỉnh như truyện "Nào cùng nhón chân" của 2 đứa không thích mang dép và cô nhà báo tên Bụi. Đó có thể là tình cảm quê nhà của cậu bé nọ khi theo ba vào thành phố học như "Chuyện ngoài đó..." Ở đây, cũng không thiếu hình ảnh trẻ em phải tự bươn chải kiếm cái ăn. Ở đây, cũng không thiếu những chia sẻ về thiên nhiên, môi trường sống, nhất là ở miền Trung, đối mặt với thiên tai, lũ lụt, hạn hán... những đứa trẻ có vẻ già hơn tuổi, nhưng vẫn trong trẻo hồn nhiên và hướng tới thiện lương. Những câu chuyện, dù là trên trang sách, cốt lõi vẫn muốn mang mọi trẻ em sống trên đất nước này lại gần với nhau, bằng thấu hiểu, cảm thông, nhân hậu. Đọc những câu chuyện này, như một cách giúp các em phóng xa tầm mắt, nhìn chung quanh, và thấy mỗi người đều có những cảnh sống, những ước mơ không bạn nào giống bạn nào. Hi vọng, những câu chuyện nhỏ này sẽ nhận được phản hồi tích cực từ các em thiếu nhi, các bậc cha mẹ. Việc hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và văn hóa ở những vùng đất khác, cũng là khát khao, nhu cầu chính đáng ở mỗi người. Vì vậy, để tôn trọng tác giả và bạn đọc, chúng tôi xin giữ lại văn phong và từ ngữ có hơi hướm địa phương. Xin mời các bạn nhỏ đi vào một trận địa ngôn ngữ mới lạ, sinh động, làm giàu hiểu biết và vốn từ tiếng nước tôi của mình. Nào cùng nhón chân - nằm trong tủ sách “Văn học thiếu nhi” của NXB Trẻ. Ở tủ sách này, bạn đọc nhỏ tuổi có thể tiếp xúc được nhiều giọng văn, phong cách viết, làm giàu thêm kiến thức văn chương, văn hóa và ý thức bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau.