Giới thiệu Sách - Ngủ ngon nhé trăng - Picture book
Tác giả: Margaret Wise Brown ( viết lời), Clement Hurd (minh họa) Dịch giả: Trác Phong Nhà xuất bản: Hội nhà văn Số trang: 31 Kích thước: 20.3x17.1 cm Ngày phát hành: 20-08-2018
NGỦ NGON NHÉ TRĂNG
*Kiệt tác sách tranh thiếu nhi được nhiều thế hệ độc giả say mê *Đã bán gần 50 triệu bản toàn thế giới *Top 100 cuốn sách thầy cô khuyên đọc, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ bình chọn *Đứng thứ 4 trong Top 100 cuốn sách tranh tốt nhất, Tạp chí Thư viện Trường học Mỹ xếp hạng *Được hàng ngàn phản hồi 5 sao trên amazon.com
Vào năm 2017, Ngủ ngon nhé trăng - Goodnight Moon kỷ niệm 70 năm ấn hành. Kể từ khi xuất bản lần đầu vào năm 1947, Ngủ ngon nhé trăng đã bán được gần 50 triệu bản. Đây thực sự là một “người bạn sách” đáng tin cậy cho nhiều thế hệ.
"Ngủ ngon nhé trăng" sở dĩ có sức sống lâu bền có lẽ vì nó đơn giản là phản ánh niềm tin của trẻ em về thế giới xung quanh mình một cách chân thực. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là một chú thỏ non nói “Chúc ngủ ngon” với mọi thứ trong phòng để cảm thấy an lòng trước khi ngủ.
"Ngủ ngon nhé trăng" là một câu chuyện không chỉ có một “tầng” cấu trúc. Cuốn sách bắt đầu bằng 10 trang sách để người đọc thấy có những gì trong phòng của chú thỏ. Câu chuyện mở ra, “Trong phòng xanh lớn đó / Có cái điện thoại nhỏ / Và quả bóng đỏ / Cùng một bức tranh… / Vẽ con bò nhảy qua mặt trăng”… Sau đó thì chú thỏ mới bắt đầu vòng chào tạm biệt. “Ngủ ngon nhé phòng” là những lời đầu tiên của chú thỏ, và từ thời điểm này, danh sách những thứ cậu ấy chào trùng khít với những gì độc giả đã từng nhìn thấy ở trang trước. Chú thỏ nhảy từ vật thể này sang món đồ kia thay vì đi vòng quanh phòng, nhưng không có gì khó hiểu về những lựa chọn ấy. Các đồ vật mà chú chúc ngủ ngon kết nối với nhau bằng vần điệu, “Ngủ ngon nhé nhà tí hon / Ngủ ngon nhé chuột con”…
Có một “bà lão” trong phòng, mà không rõ đó là mẹ, bà ngoại, hay bà vú nuôi. Bà ấy có vẻ an lành, nhưng bà ấy không quá bận tâm đến chú thỏ. Sự hiện diện của bà, giống như của phụ huynh trong nhà, được coi là hiển nhiên.
Chú thỏ không phân chia cái “thực” và cái “trong tranh”. Chú ta nói chúc ngủ ngon với mặt trăng thực bên cửa sổ, nhưng cũng nói chúc ngủ ngon với con bò nhảy qua trăng trong bức tranh trên tường, chú không phân biệt giữa mặt trăng thực và trăng trong bức tranh tưởng tượng.
Đến những trang cuối cùng, phòng của chú thỏ tối dần, và chú ta nằm yên dưới lớp chăn. Mất một quãng thời gian chúng ta mới đến được bước này. Vào lúc bắt đầu của câu chuyện, đồng hồ trong phòng thỏ chỉ 7:00. Vào cuối câu chuyện, thời gian là 8:10. Bữa ăn lót dạ trước đêm của chú thỏ đã kéo dài hơn một giờ. Chú không thấy cần phải vội vã, và cũng không có phụ huynh thỏ nào hối thúc chú mau lên.
Bà thỏ lớn tuổi đan len và coi sóc thỏ con đã rời khỏi phòng, bà không còn cần thiết cho câu chuyện nữa. Hai chú mèo, trước đó đang lăn trên thảm chơi với sợi len đan, giờ thì cuộn tròn trên chiếc ghế bành của bà. Và con chuột nhắt mà bọn mèo không bận tâm đeo đuổi đã chuyển từ chỗ nhấp nhổm dưới sàn nhà để ngồi tĩnh lặng trên cửa sổ đầy trời sao. Hòa bình ngự trị, và không ai lo lắng rằng lò sưởi cho phòng của chú thỏ vẫn đang đỏ lửa...
Đối với các cô cậu bé vẫn còn háo hức nói chuyện thêm một chốc trước giờ ngủ, việc tìm ra con chuột trong mỗi bức tranh sẽ là một trò thú vị. Một vài bản sao dễ thương của chính cuốn sách này, đề tên Goodnight Moon nằm ẩn khuất đâu đó trong phòng của chú thỏ chờ đợi để được phát hiện. Và ở một trang quãng giữa, khi chú thỏ nghiêm túc nói rằng, “Ngủ ngon nhé, chẳng ai”, không chỉ các em nhỏ, cả người lớn cũng sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị.
Những trò “phiêu lưu” nho nhỏ này chưa từng được tác giả giải thích rành mạch, nhưng thật dễ dàng tưởng tượng bà muốn các bậc cha mẹ không phải chán chường khi đọc đi đọc lại một câu chuyện mà con cái họ muốn nghe hoài nghe mãi ngày này qua ngày nọ. Đây chính là “tầng” cấu trúc sau cùng được “gài” vào từng trang sách, đem đến sự thú vị vô ngần cho độc giả. – NICOLAUS MILLS, 09/03/2017