Giới thiệu Sách Người Hoa, Người Minh Hương Với Văn Hóa Hội An
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thơ Khổ sách: 14.5x20.5 cm Số trang: 256 trang Năm xuất bản: 2018
Người Hoa, Người Minh Hương Với Văn Hóa Hội An
Việt Nam là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Kho tàng văn hóa Việt Nam là hệ thống các thành tựu văn hóa do các dân tộc, các vùng miền văn hóa cùng sáng tạo nên và gìn giữ. các thành tựu văn hóa ấy trên thực tiễn đã tương tác với nhau và với những thử thách của thời gian và các biến cố lịch sử, những thứ còn lại có cái làm nền tảng hình thành dòng văn hóa đương đại, song cũng có cái còn lưu giữ dưới dạng ký ức lịch sử - một phần của di sản văn hóa. Văn hóa Hội An đương đại bao trùm cả hai thứ ấy.
Cảng thị Hội An hình thành và phát triển trên nền tảng giao lưu kinh tế - văn hóa quốc tế, trong đó có vai trò của người Hoa, người Nhật và người phương Tây. Ngày nay, khi nhắc tới Hội An người ta thường nhắc đến cầu Nhật Bản, những dãy phố cổ và tình hữu nghị Việt - Nhật, trong khi đó những dấu ấn văn hóa quan trọng của người Hoa và người phương Tây ít khi được đề cập tới. Trên thực tế, tại Hội An dấu ấn văn hóa người Hoa và hậu duệ của họ là đậm đặc hơn cả, từ kiến trúc đền miếu, nhà phố, tín ngưỡng – tôn giáo, phong tục – lễ hội, ẩm thực, cho đến nghề truyền thống và hoạt động kinh tế. Chiếc cầu Nhật Bản sau khi được trùng tu, xây dựng lại đã không còn dấu ấn phong cách Nhật Bản nữa, mà thay vào đó là lối kiến trúc pha trộn Việt - Hoa, gắn với nó là ngôi miếu cổ thờ vị thần mang nguồn gốc Trung Hoa là Bắc Đế. Sự hiện diện của những hội quán người Hoa cùng hệ thống lễ hội tại đó tự thân chúng đã trở thành những nguồn lực quan trọng biến Hội An thành một “trung tâm” văn hóa độc đáo, nơi diễn ra các quá trình giao lưu, dung hợp văn hóa và kiến tạo bản sắc tộc người.