Maxim Gorky (1868 - 1936), là “người đại biểu vĩ đại nhất của nền văn nghệ vô sản”. Trong số những tác phẩm của Maxim Gorky xứng đáng được xếp vào kho tàng văn học của nhân loại, trước hết phải kể đến hai cuốn tiểu thuyết: “Người mẹ” (1906-1907) và “Cuộc đời Klim Samgin” (1927-1936). Ngoài tiểu thuyết ông còn sáng tác kịch, truyện ngắn và truyện dài với các tác phẩm tiêu biểu như vở kịch “Dưới đáy” (1902), cùng bộ tác phẩm truyện dài nổi tiếng khác như: “Thời thơ ấu” (1913-1914); “Kiếm sống” (1916); “Các trường đại học của tôi” (1913-1923). "Người mẹ" là tác phẩm điển hình chiếm một vị trí đặc biệt không những trong sáng tác của nhà văn mà trong cả nền văn học thế giới thế kỷ XX. Tác phẩm có giá trị như một công trình nghiên cứu xuất sắc về phong trào công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, về đời sống công nhân ở nhà máy lớn, về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư sản. Trong đó Paven là nhân vật tiêu biểu cho người chiến sĩ cách mạng vô sản, bà mẹ là hiện thân của quá trình giác ngộ cách mạng trong nhân dân. Ngay từ những năm 1930-1940, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Người mẹ" đã là cuốn sách gối đầu giường của biết bao thanh niên Việt Nam thuộc thế hệ cách mạng kháng chiến chống Pháp. Cuốn sách mang sức sống đấu tranh này đã trang bị một vũ khí tư tưởng vô địch cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động tấn công vào thành trì của bọn bóc lột.