Tác giả: Henry Mintzberg NXB: Trẻ Khổ sách: 16 x 24 cm Số trang: 611 trang Năm phát hành: 2011 Thể loại: Quản trị Đơn vị phát hành: Sách Dân Trí
Đây đó trên báo chí trong và ngoài nước, hay qua các buổi giới thiệu tuyển sinh của các trường đại học dạy về kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam và nước ngoài, chương trình MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) thường được quảng bá dưới hình ảnh là khóa học dạy cho người ta cách trở thành các nhà quản trị, hay với thuật ngữ bình dân hơn, là trở thành những ông, bà giám đốc. Và không ít sinh viên, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng MBA, tin rằng mình đang ở đẳng cấp của một nhà quản trị. Đây là một lối suy nghĩ phổ biến, không chỉ các chương trình MBA này mà cả xã hội đã áp đặt vào những người đã và đang học MBA.
Tuy nhiên, với tư cách là một nhà giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy về kinh doanh, Giáo sư Mintzberg, qua việc bình luận về các chương trình MBA của những trường danh tiếng như Wharton, Harvard và Stanford, từ chương 3 tới chương 6 trong quyển sách này, đã chỉ ra nhiều vấn đề. Người dịch thật sự có ấn tượng sâu sắc với các ý tưởng về “một tầng lớp quí tộc mới”, “bằng MBA có thể quản lý mọi lĩnh vực”, vì dường như nó phản ánh rất đúng những gì đang diễn tiến ở Việt Nam, như cách mà phần lớn người trong xã hội đang tôn vinh những người có bằng MBA (điển hình là những mức lương cao ngất mà nhiều thạc sĩ quản trị kinh doanh được hưởng, hay nhiều người đã khẳng định rằng bằng MBA là một điều kiện để thăng tiến).
Một điểm đáng chú ý khác của quyển sách này là cách mà Minztberg hình dung về những cấp độ khác nhau của sự ưa thích quản lý và ưa thích kinh doanh trong một người, từ đó xác định người đó nên giữ vai trò nào trong xã hội. Ngoài ra, những đề cập của ông về những trường dạy quản lý thật sự (chứ không phải là dạy về các chức năng của kinh doanh) cũng rất đáng suy ngẫm, đặc biệt là cho những người làm công tác đào tạo về quản lý và tuyển dụng nhà quản lý tương lai, cũng như cho những người đang học về quản lý. Ngay cả với những ai không liên quan nhiều đến lĩnh vực quản lý, quyển sách này cũng cung cấp một nguồn tư liệu tốt về “một sự thật khác” của giáo dục quản lý ở các trường đại học, dù là trong hay ngoài nước, để từ đó có thể có một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề giáo dục quản lý. Những thông tin trong quyển sách này sẽ hữu ích cho những nhà hoạch định chính sách giáo dục, những người có ý định cho con em đi học về quản lý, những nhà quản lý định cho nhân viên hay chính bản thân học về quản lý, và cuối cùng là cho chính những người đang dạy về quản lý ở các trường chuyên dạy MBA.