Giới thiệu Sách - Nhất Linh - Lạnh lùng (In theo bản NXB Đời Nay, Hà Nội, 1940)
Tác giả: Nhật Linh
Giá bìa: 68.000 ₫
NXB: NXB Văn Học
Phát hành: Minh Thắng
Năm xuất bản: 2022(ISBN: 9786043727227)(Mã sách: 8935236428491)
Dạng bìa: bìa mềm
Số trang: 208 trang
Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
=========GIỚI THIỆU SÁCH=========
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân từng nhận xét: “Người ta thấy các câu chuyện trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn thường là những chuyện tình, xoay quanh tình yêu, hôn nhân. Nhưng các chuyện tình ở đây khác với chuyện tình trong truyện Nôm tài tử giai nhân ở mức độ chống lễ giáo phong kiến quyết liệt không khoan nhượng của nó. Đây là chuyện tình của những con người đô thị, của những ‘chàng’ những '‘nàng’ tân thời, học chữ Tây, sống ở đô thị, hấp thụ văn minh châu Âu. Tình yêu và hôn nhân là lĩnh vực mà họ dễ vấp phải những gò bó của lễ giáo cũ; họ phải vượt qua để tự khẳng định nhu cầu tự do của mình. Họ đòi tự do trong cuộc sống, trước hết là tự do yêu đương, tự do kết hôn. Họ tìm thấy cái đẹp, thấy giá trị cuộc sống Âu hóa: cá nhân, tự do, hạnh phúc. Họ phủ nhận con người chức năng trong luân thường đạo lí Nho giáo”.
Quả vậy, chủ đề tình yêu và tự do cá nhân được các tác giả của Tự Lực văn đoàn thể hiện rất rõ trong nhiều tác phẩm của mình. Khởi đầu là hai tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên (1933) và Nửa chừng xuân (1934) của Khái Hưng, tới Gánh hàng hoa của Nhất Linh và Khái Hưng (1934), Đoạn tuyệt của Nhất Linh (1935) và cuối cùng là Lạnh lùng của Nhất Linh (1935-1936). Nếu Hồn bướm mơ tiên được Khái Hưng đặt trong hoàn cảnhh éo le giữa tình yêu tự do, hạnh phúc đời thường với sự gò bó, hà khắc của giáo lý tôn giáo thì tới Lạnh lùng, Nhất Linh đã đặt nhân vật chính của mình vào một hoàn cảnh nhạy cảm không kém. Đó là cuộc sống của một người phụ nữ góa mang cái danh vàng “Tiết hạnh khả phong”. Bốn chữ vàng ấy choán lấy Nhung – người phụ nữ trẻ đẹp nhưng chồng mất sớm – khiến nàng đương tuổi xuân mơn mởn lại phải sống như một người sư nữ.
Sự tài tình của Nhất Linh nằm ở chỗ, cả câu chuyện không có nhiều sự dữ dội, chuyện của Nhung và Nghĩa cuối cùng không bị vỡ lở; Nhung vẫn là một người phụ nữ “đoan chính”, vẫn có “danh thơm”, tình yêu của nàng cuối cùng cũng không giành được phần thắng. Nhưng sự dằn vặt giữa tình yêu và luân thường, mở rộng hơn là sự đấu tranh giữa hiện đại và truyền thống, giữa Tây và Đông, thu gọn trong thân thể người phụ nữ bé nhỏ ấy đã khiến độc giả hiểu sâu sắc những nỗi khổ, sự bó buộc của con người thời đại bấy giờ.