Giới thiệu Sách Omega Plus - An Tĩnh Xưa - Hippolyte Le Breton – Nguyễn Bân dịch
An Tĩnh xưa (chuyên khảo lịch sử về vùng Nghệ An-HàTĩnh xưa) được Le Breton soạn thảo trong thời gian giảng dạy và làm hiệu trưởng ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh, 1924-1928), thành quả xứng đáng từ những lớp tham quan dã ngoại được tổ chức thường xuyên, kết hợp với sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp, học trò và đặc biệt nhất là nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu, tổng hợp, phân tích tư liệu của ông. Ngoài phần giới thiệu, mở đầu và kết luận, tác phẩm có hai Đề mục lớn (một số bản dịch khác gọi là Thiên); riêng Đề mục 2 có đến tám chương. Đây thực sự là một công trình đồ sộ về tư liệu; khoa học về phương pháp nghiên cứu, diễn giải, và nhất là về tâm huyết, trí tuệ, như ông đã tự dẫn câu của chính mình làm đề từ: “Hiểu tức là yêu thương; yêu thương tức là hiểu. Hai lời lẽ này dựa vào nhau, cần biết gắn lại với nhau bằng một bàn tay khỏe mạnh và khéo léo”. Khi tiếp xúc với tác phẩm này, nhiều người đã khẳng định ngay giá trị không thể chối cãi của nó. **** AN TĨNH XƯA Hippolyte Le Breton Nguyễn Bân dịch Omega Plus phát hành NXB: Dân Trí Năm Phát hành: 2022 Thông số cơ bản: Khổ sách: 16x24cm Số trang: 372 trang Cân nặng: 300gr. Hình thức: bìa mềm **** Điều đặc biệt nữa mà tôi muốn nhấn mạnh, đó chính là “số phận” của bản dịch. Nếu như Le Vieux An-Tinh từ ba số trên Tập san BAVH đến khi được in thành sách tròn 65 năm, thì An Tĩnh xưa từ những trang dịch viết trên giấy pơ-luya (pelure) mỏng dính của ông Nguyễn Bân trong những thập niên 1970, 1980 chủ yếu dùng làm tư liệu cho bản thân và bè bạn, đến bản dịch khá đầy đủ năm 1991 được chép tay trong một cuốn vở học sinh và bản hoàn thiện năm 1997 suýt thất lạc nay được cháu gái Nguyễn Thị Phương Thảo công phu tìm lại cũng đã trải gần 50 năm, được biên tập, xuất bản khi ông đã rời cõi tạm tròn 10 năm… Tuy không phải là một dịch giả chuyên nghiệp, hành văn đôi chỗ còn thiếu trau chuốt, nhưng chất lượng của An Tĩnh xưa không hề thua kém các bản dịch đã xuất bản, nhất là đảm bảo nguyên tắc dịch thuật các công trình khoa học - chính xác, sát ý, trung thành với nguyên tác… Bởi ngoài trình độ Pháp ngữ, ông còn là một nhà Địa phương học am tường về địa lý, lịch sử, văn hóa xứ Nghệ, một người luôn sống và làm việc nghiêm cẩn, cầu thị, và hơn nữa, là một người trọn đời gắn bó, yêu quý, khát khao dâng hiến tâm sức cho mảnh đất Hồng Lĩnh - Lam Giang, quê hương thứ hai của ông. Sống nằm đó tưởng thừa, ra hỏi vào han, sớm tối nỗi lo khôn vơi nhẹ; Chết đi mới thấy thiếu, ngày tơ đêm tưởng, tháng năm khoảng trống khó lấp đầy. Câu đối của nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh “tặng” dịch giả Nguyễn Bân trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh như giãi bày hộ tâm trạng tôi, và chắc là cũng của nhiều người khi nhớ về một lớp tiền nhân biết đánh thức, giành lại quá khứ cho hiện tại và tương lai, sự ra đi của họ thực sự như cây cổ thụ ngã xuống để lại cả khoảng trời trống vắng… Võ Hồng Hải