Giới thiệu Sách Phật Giáo Lào Dưới Góc Nhìn Văn Hóa
Tác giả: Nguyễn Văn Thoàn Khổ sách: 14.5x20.5 cm Số trang: 230 trang Năm xuất bản: 2020
“Lịch sử tồn tại và phát triển của đạo Phật ở Lào luôn gắn liền với vận mệnh thịnh suy của quốc gia, của dân tộc Lào. Khi quốc gia thịnh vượng thì đạo Phật cũng được phát triển đến đỉnh cao, còn khi độc lập và chủ quyền đã bị mất thì Phật giáo cũng lâm cảnh nô lệ, nó chỉ còn tồn tại trong lòng dân Lào. Trải qua hàng trăm năm tồn tại trên đất nước Lào, Phật giáo đã trở thành một phần lịch sử Lào, gắn bó keo sơn với dân tộc, với đất nước Lào. Thật không dễ dàng với những ai chưa có sự nghiên cứu tìm hiểu đầy đủ về lịch sử - văn hóa Lào mà có thể phân biệt được nghi thức này là phong tục tập quán của người Lào và tục lệ kia được tạo lập do nhưng quy định của Phật giáo”.
“Có nhiều góc độ khác nhau để phân kỳ lịch sử Phật giáo Lào, ở đây tác giả xin mạo muội phân theo tiến trình văn hóa Lào. Đó là Phật giáo ở thời kỳ du nhập vào Lào ứng với giai đoạn văn hóa Khúnbulôm – Khúnlo; Phật giáo ở thời kỳ xây dựng và phát triển của vương quốc Lào Lạnxạng (từ giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX) ứng với giai đoạn văn hóa Lào Lạnxạng; Phật giáo ở thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ năm 1893 đến năm 1975 ứng với giai đoạn văn hóa vương quốc Lào; và Phật giáo ở thời kỳ xây dựng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ năm 1975 đến nay ứng với giai đoạn văn hóa hiện đại.
Từ cơ sở trên, chúng ta hãy lần lượt đi qua các giai đoạn thăng trầm lịch sử Lào để tìm hiểu đạo Phật đã uyển chuyển kết hợp giáo lý vào đời như thế nào để giúp nhân dân viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc, cho đất nước Lào” – Nguyễn Văn Thoàn