Tác giả: Từ Xuân Lãnh Khổ sách: 15x23 cm Số trang: 484 trang Năm xuất bản: 2019
Phong tục tập quán là nếp sống của người dân được tích lũy từ nhiều đời, phản ánh cách nghĩ, cách sống của một dân tộc, là một bộ phận quan trọng hình thành nên nền văn hóa, góp phần tạo ra sắc thái riêng của dân tộc ấy. Phong tục tập quán của bất cứ dân tộc nào cũng có những cái hay cái dở, qua quá trình phát triển có sự đãi lọc nhằm loại bỏ những điều dở, bảo tồn và phát huy những điều hay để thành một nếp văn hóa truyền thống. Xã hội không ngừng phát triển và tiến bộ, do đó việc nghiên cứu phong tục tập quán cần được tiến hành nhiều lần để tìm hiểu, nhận xét và đánh giá nếp sống, nếp nghĩ của người dân dưới ánh sáng của thời đại mới.
Trong khi các tác giả trước đây chủ yếu viết về phong tục tập quán ở miền Bắc thì tác giả Từ Xuân Lãnh đề cập nhiều đến phong tục tập quán ở miền Trung và miền Nam. Tác giả khẳng định: “Phong tục tập quán là một bộ phận quan trọng hình thành nền văn hóa”, mà “văn hóa là cái hồn tính của dân tộc”, nên “hồn tính còn thì dân tộc còn”. Trong những thời kỳ lịch sử khó khăn, khi nước ta bị ngoại bang đô hộ, người Việt Nam vẫn bảo tồn những phong tục tập quán của mình. Theo tác giả, đó là một cách đối kháng rất quan trọng, bên cạnh những cách đối kháng khác. Nhờ vậy sau khi đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do, “ta vẫn là ta” chứ không bị đồng hóa, không bị mất gốc.