Sách - Sự Xây Dựng Cái Thực Ở Trẻ Tác giả Jean Piaget - Hoàng Hưng dịch Nhà xuất bản NXB Tri Thức Đơn vị phát hành NXB Tri Thức Ngày xuất bản 07-2017 Số trang 460 Kích thước 16 x 24 cm Loại bìa Bìa mềm Nội dung "Việc nghiên cứu trí khôn cảm giác-vận động hay thực hành trong vòng hai năm đầu của sự phát triển[1] đã cho chúng ta biết đứa trẻ trực tiếp đồng hóa môi trường bên ngoài vào chính hoạt động của mình như thế nào, rồi tiếp đó, để kéo dài sự đồng hóa ấy, trẻ tạo nên ngày càng nhiều cấu trúc sơ khai (CTSK) vừa linh hoạt vừa có năng lực tự điều phối lẫn nhau ra sao.
Vậy mà, song song với sự bao hàm tăng dần của các CTSK đồng hóa, ta có thể theo dõi sự tiến hóa liên tục của một vũ trụ bên ngoài, nói cách khác, sự phát triển đồng quy của chức năng giải thích [fonction explicative]. Thực vậy, mối liên hệ được xác lập giữa các CTSK đồng hóa càng nhiều lên thì sự tiến hóa càng bớt tập trung vào tính chủ quan đúng thực chất của chủ thể đồng hóa, để trở thành sự hiểu và diễn dịch đúng nghĩa. Chính như thế mà lúc khởi đầu hoạt động đồng hóa, một vật thể bất kì được môi trường bên ngoài đem đến cho hoạt động của chủ thể chỉ đơn giản là vật để mút, nhìn hay nắm giữ: vậy ở giai đoạn ấy, một sự đồng hóa như thế chỉ tập trung vào chủ thể đồng hóa. Trái lại, thời gian sau, cũng vật ấy biến đổi thành vật để dịch chuyển, để làm chuyển động và để sử dụng cho những mục đích ngày càng phức hợp. Cái cốt yếu vậy là trở thành tổng thể những mối quan hệ do hoạt động đặc thù [của chủ thể] kiến tạo nên giữa vật ấy với những vật khác: từ lúc ấy, đồng hóa có nghĩa là hiểu hay diễn dịch, và đồng hóa lẫn lộn với đặt các mối quan hệ. Bởi chính việc chủ thể đồng hóa đi vào mối quan hệ tương hỗ với các vật được đồng hóa: bàn tay cầm nắm, miệng mút, hay mắt nhìn, không chỉ hạn chế trong một hoạt động không có ý thức về bản thân nó mặc dù tập trung vào chính nó, mà chúng [bàn tay, miệng, mắt] được chủ thể quan niệm như những sự vật giữa các sự vật và như giữ những mối quan hệ tương thuộc với vũ trụ."