Giới thiệu Sách Thông tin di động 5G và lộ trình phát triển lên 6G
5G (5th Generation) hay được gọi là thế hệ thứ 5 của mạng di động với nhiều cải tiến hơn so với 4G. 5G được thiết kế để tăng tốc độ và khả năng phản hồi nhanh chóng của mạng không dây. 5G được ra đời để kế thừa 4G, nhờ đó mà tốc độ tải xuống nhanh hơn, truyền phát dữ liệu mượt mà hơn. 5G không chỉ cải tiến về tốc độ mà nó sẽ mở ra những ứng dụng hoàn mới và tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong những năm tiếp theo. Ngoài các ứng dụng với con người là trung tâm ngày càng rộng khắp, chẳng hạn thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường, phát luồng video 4k, các mạng 5G còn hỗ trợ các nhu cầu truyền thông các ứng dụng thông tin máy - máy (machine to machine), máy - người (machine to human) để làm cho cuộc sống của chúng ta an toàn và tiện lợi hơn. Mặc dù các hệ thống truyền thông 5G sẽ cung cấp các cải thiện đáng kể so với các hệ thống trước nó, nhưng chúng không thể thực hiện các yêu cầu của các hệ thống tự động và thông minh tương lai sẽ xuất hiện sau 10 năm nữa. Các mạng 5G sẽ không có đủ dung lượng cho một mạng hoàn toàn tự động và thông minh để cung cấp mọi thứ như là một dịch vụ và trải nghiệm thực tế ảo. Sự phát triển nhanh của các hệ thống tự động đặt trọng tâm vào số liệu có thể vượt quá các khả năng của các hệ thống 5G. Một số thiết bị như các thiết bị thực tế ảo sẽ vượt quá khả năng của sau 5G (B5G: Beyond 5G) vì chúng đòi hỏi tốc độ số liệu tối thiểu 10Gbit/s. Để khắc phục các hạn chế của 5G nhằm hỗ trợ các yêu cầu mới, cần phát triển một hệ thống không dây thế hệ 6 (6G) với các tính năng hấp dẫn mới. Các động lực chính của 6G sẽ là sự hội tụ của tất cả các tính năng cũ như mật độ mạng cao, thông lượng cao, độ tin cậy cao, tiêu thụ công suất thấp và kết nối số đông. 6G cũng sẽ tiếp tục xu thế của các thế hệ trước như đưa ra các dịch vụ mới cùng với các công nghệ bổ sung mới. Các dịch vụ mới bao gồm AI, các thiết bị đeo thông minh, các thiết bị cấy trên người, giao thông tự động, các thiết bị thực tế ảo, cảm biến và lập bản đồ 3D. Yêu cầu quan trọng nhất đối với các mạng 6G là khả năng xử lý khối lượng lớn số liệu và kết nối tốc độ số liệu cao trên một thiết bị. Nội dung của cuốn sách gồm 16 chương, trong đó mỗi chương đi sâu vào một vấn đề của mạng 5G như Tổng quan 5G; Kiến trúc hệ thống 5G; Kiến trúc mạng RAN; Kiến trúc kết nối kép đa công nghệ vô tuyến MC DC cho 4G LTE và 5G; Các kịch bản chuyển từ 4G LTE lên 5G; Luồng QoS và kiến trúc QoS trong 5G; Kiến trúc giao thức hệ thống 5G; Quy định tần số và sử dụng phổ tần cho 5G; Cấu trúc tài nguyên tần số-thời gian trong 5GNR; Quy hoạch vùng phủ sóng trong quá trình định cỡ mạng truy nhập 5G; Phân vùng địa lý và quản lý di động trong 5G; Quét búp tìm ô, đồng bộ và SSB; Các tín hiệu đồng bộ PSS, SSS và kênh vật lý PBCH; Truy nhập ngẫu nhiên (Random Access) trong 5G; Các kênh vật lý điều khiển, truyền số liệu và các tín hiệu tham chuẩn của 5G NR; Ấn định tài nguyên cho DMRS và các kênh PDSCH, PUSCH; Đặc biệt chương cuối cùng đề cập đến lộ trình phát triển của mạng 6G trong tương lai. Hy vọng, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên các trường đại học, các chuyên gia, các cán bộ quản lý và kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin di động.
Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông Đơn vị phát hành: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông Tác giả: TS. Nguyễn Phạm Anh Dũng Khổ: 16 X 24 cm Số trang: 268 ISBN: 9786048075439 Năm Xuất bản: 2023