Giới thiệu Sách Thủ công mỹ nghệ truyền thống Trung Quốc
Tác giả: Hàng Gian - Quách Thu Huệ Dịch giả: TS. Trương Gia Quyền Khổ sách: 15.5x23 cm Số trang: 182 trang Năm xuất bản: 2012 NXB Tổng hợp TPHCM
Thiên hữu thời, địa hữu khí, tài hữu mỹ, công hữu xảo. Trên thế giới, thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc đã được đặt cho một cái tên thật đẹp và độc đáo trong lịch sử văn hóa vật chất của dân tộc. Kể từ đời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên), khi Trương Khiên (? - 114 trước Công nguyên) đi sứ ở Tây Tạng thì con đường tơ lụa đã dần dần được hình thành. Thế là, thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc cũng đã được liên tục không ngừng đến với Trung Á, Tây Á, đi vào Trung Đông và rồi cuối cùng gặp gỡ ở Châu Âu, cứ thế truyền thống ấy được truyền bá rộng rãi đến khắp năm châu bốn bể. Ngay cả những khi bị ngoại xâm, hay trong thời binh đao chiến loạn thì các nghệ nhân mọi triều đại trong lịch sử của Trung Quốc vẫn luôn giữ được đôi bàn tay khéo léo của mình, để chính họ trở thành sứ giả truyền bá tài nghệ ấy đến cả thế giới. Một điều không thể không nhắc đến đó là nền thủ công mỹ nghệ này luôn gắn bó chặt chẽ với triết học truyền thống của Trung Quốc. Các nhà tư tưởng của quốc gia này vào khoảng thế kỷ I trước và sau Công nguyên đã thường dùng sự khéo léo trong thủ công mỹ nghệ truyền thống để so sánh hay giải thích cho những suy ngẫm của họ đối với sự trị vì quốc gia cũng như đối với cuộc đời.Tất cả những điều ấy đều có một mối liên hệ chặt chẽ với vị trí địa lý của Trung Quốc cũng như nền văn hóa nông nghiệp đã được hình thành từ rất lâu đời và không bị gián đoạn.
Lục địa Trung Quốc có đường bờ biển rất dài, thế nhưng khởi nguồn của văn minh - Trung Nguyên - lại nằm sâu trong đất liền. Sự xuất hiện của chế độ hành chính quốc gia sớm nhất Trung Quốc là ba triều đại Hạ (2070 - 1600 trước Công nguyên), Thương (1600 - 1046 trước Công nguyên), Tây Chu (1046 - 771 trước Công nguyên) cũng đều từ trong đất liền. Còn đối với những dân tộc lớn lên từ khu vực đồng bằng và vùng núi thì việc canh tác ruộng đất là hình thức sinh tồn quan trọng nhất của họ. Những đặc điểm của thủ công mỹ nghệ truyền thống Trung Quốc được quyết định bởi phương thức nghệ thuật và cuộc sống xã hội nông nghiệp truyền thống. Công việc thủ công mỹ nghệ của mọi người được phát triển theo nhịp điệu của mỗi ngày, công việc bắt đầu khi mặt trời mọc và kết thúc lúc mặt trời lặn. Những trạng thái ban đầu của mọi dạng sản phẩm đều liên quan đến việc sử dụng, nó thực tế, mộc mạc và đầy cảm xúc, nó hội tụ những trí tuệ phù hợp với nền văn minh nông nghiệp. Dẫu trong giai đoạn đỉnh cao - tức là trong thủ công mỹ nghệ cung đình và thủ công mỹ nghệ nhân sinh, thì mọi sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn luôn giữ được những dấu ấn thực tế và truyền thống mộc mạc giản dị vốn có. Phong cách trang trí của nó rất tự nhiên. Những nét thuộc phạm trù của kinh tế tự nhiên như núi sông, muông thú, cỏ cây hoa lá v.v.. chính là nét chủ đạo của mẫu mã cũng như phong cách trang trí, và có những khi, sự kỳ quặc hay gớm ghiếc được thể hiện trên đó lại tràn đầy tinh thần lạc quan và chí hướng của người nghệ nhân.