GIỚI THIỆU SÁCH Tiền Nhiều Chẳng Để Làm Gì Ý tưởng được lan truyền Vào một buổi sáng, tôi nghe trên đài bản tin về một câu lạc bộ trao đổi tại một ngôi làng ở Canada. Câu lạc bộ này ra đời sau khi nhà máy duy nhất tại địa phương mang lại việc làm cho hầu như tất cả các gia đình bị vỡ nợ. Để đảm bảo cuộc sống, người dân nơi đây đã tập họp lại và phát triển mô hình này, dù đơn giản nhưng có vẻ nó đã phát huy được hiệu quả: Mỗi người đưa những khả năng riêng của mình vào một “cái bình” tưởng tượng để tất cả những người khác có thể sử dụng. Theo phương châm “ai cũng có thể làm một việc gì đó mà không phải ai cũng làm được”, một loạt những “sản phẩm” đa dạng xuất hiện: làm mộc, làm vườn, xây dựng, tẩm quất, cắt tóc, làm bánh, trông trẻ, sửa chữa ô tô – tất cả những gì ở trong “bình” được tập hợp lại và phân chia. Ai muốn lấy một những “sản phẩm” được chào hàng thì phải đăng ký tại điểm tập kết chung. Không được thanh toán bằng tiền như thông thường mà các “khoản nợ” của mỗi người sẽ được cân đối bằng “số dư” của họ từ việc đóng góp khả năng của cá nhân họ Bản tin cũng đưa ra một số ví dụ để làm rõ nguyên tắc hoạt động: Một người đàn ông sửa ô tô cho chị hàng xóm. Khi làm việc đó, anh ta nhận được năm tiếng đồng hồ vào tài khoản “Có” của mình. Khi anh ta, ví dụ như, muốn tu sửa căn hộ của mình, anh ta sẽ nhận sự giúp đỡ từ những người có thể dán giấy dán tường, trải thảm, v.v.. Qua đó số dư của anh ta giảm đi. Trong khi đó chị, hàng xóm có ô tô lại giảm tài khoản “Nợ” bằng cách trông trẻ cho những người khác cùng làng.
Ngay lập tức cách làm trên hấp dẫn tôi. Bởi vì, bên cạnh thực tế là ở đây, những điều cần thiết cho cuộc sống có thể được thực hiện mà không cần đến chi phí tài chính, tôi còn nhận thấy rằng một mô hình ra đời do tình cảnh khó khăn đã đột nhiên tạo nên một lối sống nương tựa vào nhau. Lượng thời gian trước đây được dùng cho công việc đều đều trong nhà máy bây giờ được dùng cho mối quan hệ với những người khác cùng làng. Một mũi tên trúng hai đích, tôi nghĩ thế và lấy làm thích thú. Đó có thể là giải pháp mà tôi đã tìm kiếm rất lâu rồi. Một cơ hội khả thi để tìm kiếm một giải pháp nhân văn cho vấn đề nghèo khổ và cô lập. Tôi hào hứng kể cho mấy cô bạn về mô hình bên Canada, họ cũng hào hứng chẳng kém gì tôi về ý tưởng xoay sở sống mà không cần đến tiền. Đương nhiên một vài người phản bác rằng có lẽ mô hình đó chỉ có thể áp dụng ở nông thôn, nơi mọi người dù thế nào đi nữa cũng biết nhau rõ hơn so với ở những thành phố lớn. Có thể họ có lý, nhưng sự hoài nghi của họ không ngăn cản được tôi bắt đầu lên kế hoạch thành lập câu lạc bộ trao đổi. Đầu tiên, ít ra là theo cách hiểu của tôi, phải thu hút sự chú ý của cộng đồng đối với kế hoạch của tôi. Vì thế tôi viết thông cáo báo chí với nội dung đại thể như sau: “Trong xã hội chúng ta một sự mất cân bằng lớn đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ nếu theo dõi thị trường lao động, chúng ta sẽ nhận thấy là một mặt, nhiều người bị quá tải công việc và hoàn toàn kiệt sức, còn mặt khác, nhiều người thất nghiệp lại phải chật vật lắm mới sống được qua ngày. Cả hai nhóm đều đang không hạnh phúc. Nhóm này trở nên cô đơn, vì họ không còn sức lực dành cho hoạt động nào khác ngoài công việc, nhóm kia tự cô lập hóa, vì họ cảm thấy vô dụng, vô ích và không ai cần đến họ. Hai nhóm này có thể bù trừ cho nhau. Nếu nhóm có sẵn thời gian chia sẻ với nhóm không có thời gian thì cả hai nhóm đều có lợi. Tôi muốn sử dụng thời gian rảnh rỗi cho việc thành lập một câu lạc bộ trao đổi, trong đó các khả năng, các dịch vụ và những đồ vật có ích có thể được chia sẻ và được trao đổi mà không cần đến vai trò của tiền. Bằng cách này mọi người đều có khả năng có được thứ họ cần, sự chênh lệch giữa giàu và nghèo được xóa bỏ và đạt tới một hình thức mới của sự chung sức xã hội. Vì trong thời đại của chúng ta, sự cân bằng giữa cho và nhận bị phá vỡ nên tôi gọi câu lạc bộ trao đổi là Trung tâm Cho và Nhận”. ----- Tên Nhà Cung Cấp Thái Hà Tác giả Heidemarie Schwermer Người Dịch Phạm Đức Hùng NXB NXB Công Thương Năm XB 2020 Số trang 301