Khảo cổ học là khoa học bắt đầu và kết thúc với vật cổ. Một khi không có vật cổ, khảo cổ học chấm dứt! Suốt thế kỷ XX, chúng ta chỉ biết cốt sọ cổ nhất của người Việt tại Sơn Vi 32.000 năm. Những câu hỏi bức xúc được đưa ra: Phải chăng người Sơn Vi là người hiện đại xuất hiện sớm nhất trên đất Việt Nam ? Họ từ đâu tới ? Không lời đáp! Rồi khi phát hiện bộ xương người Lưu Giang Quảng Tây 68.000 năm và cốt sọ hang Tampa Lin Bắc Lào 63.000 năm, có thêm câu hỏi đưa ra: “Họ là ai, từ đâu ra, có quan hệ thế nào với người Sơn Vi và những người Việt cổ khác ?”
Những năm cuối thế kỷ XX, bùng nổ thông tin gây chấn động: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở Châu Phi 200.000 năm trước. Khoảng 70.000 năm trước, theo ven biển Ấn Độ Dương, người từ Châu Phi di cư tới Việt Nam. Nghỉ lại ở đây 20.000 năm để gia tăng dân số, 50.000 năm trước, người từ Việt Nam lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á và chiếm lĩnh Ấn Độ. 40.000 năm trước, do khí hậu phía bắc được cải thiện, người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. 30.000 năm trước, từ Siberia vượt qua eo Bering, chinh phục châu Mỹ ...”. Giới khảo cổ học choáng váng. Tuy nhiên, khám phá từ ADN không thể nghi ngờ. Như vậy, thực tế cho thấy, con người đã có mặt tại Việt Nam từ 70.000 năm trước. (Trích: Suy ngẫm về Tiền sử Việt)
Nội dung cuốn sách gồm 13 chương: Chương 1: Nguồn gốc dân cư phương Đông Chương 2: Quá trình hình thành dân cư phương Đông Chương 3: Thời đại đồ đá ở Việt Nam Chương 4: Văn hóa đá mới trên đất Trung Hoa Chương 5: Thời đại đồ đồng Chương 6: Văn minh nông nghiệp của người Việt Chương 7: Văn hóa phi vật thể của người Việt Chương 8: Nguồn gốc và quá trình hình thành tiếng Việt Chương 9: Quá trình hình thành chữ viết của người Việt Chương 10: Bách Việt Chương 11. Sự hình thành các nhà nước Đông Á cổ Chương 12: Sự hình thành các nhà nước Đông Nam Á cổ Chương 13: Quá trình hình thành các nhà nước cổ trên đất Việt Nam.