Giới thiệu Sách - TIỀN TỪ HITLER - Radka Denemarková - Bình Book
Cũng không nhiều nhà làm sách văn học. Nó cần khả năng lựa chọn sách của đơn vị xuất bản và trình độ thẩm mỹ của độc giả. Thường ta thấy mọi người in lại tác phẩm kinh điển cho…lành. Thời gian thay ta thẩm định nó rồi. Cho nên giới thiệu sách văn học đương đại ngay cả là của nước ngoài cũng khó khăn. Một khi sách mới ra đời, ta đành dựa trên một số tiêu chí sau: + Tin vào đơn vị xuất bản: thẩm mỹ của người lựa sách – cá nhân tôi đánh giá cao ở: Phanbook, Tao Đàn và Phụ Nữ. + Tin vào dịch giả; + Tin vào…giải thưởng mà nó đạt được (chứ biết sao giờ); + Tin vào hệ thống Goodreads để xem phản ứng độc giả Tây ra sao. + Tin vào…bản thân mình: cái này chắc chỉ đọc qua một số trang xem ta có cảm tình không thôi. Hôm nay, nhà Nữ có 02 cuốn sách văn học đương đại. Một đến từ Séc (hãy nhớ đến cái Đại Sự Quán Séc “đài thọ”) với tác phẩm đoạt giải thưởng Magnesia Litera 2007 và dịch giả là Thạc sỹ Hóa học tại Đại học Séc. Còn lại đến từ Đức (hãy nhớ đến Viện Goethe), đoạt giải Sách Đức 2007 do kiến trúc sư Lê Quang, dịch giả gạo cội đưa tới hầu hết gương mặt văn học Đức cho ta. Tôi thấy điều rất hay, cuối cùng rất nhiều dịch giả đều xuất phát từ….khoa học kỹ thuật (không ai học khối C mà đi dịch thuật cả), còn tôi viết mấy lời dông dài này thì từ người làm cầu mà ra. *** TIỀN TỪ HITLER Giải sách Séc 2007 Công ty phát hành: Phụ Nữ Nhà xuất bản: NXB Phụ Nữ Việt Nam Tác giả: Radka Denemarková Dịch giả: Hau Phamová Loại bìa: Bìa Mềm Số trang: 400 Năm xuất bản: 2021 Kích thước: 14 x 20.5 cm *** Cuốn sách giành được các giải thưởng danh giá: Giải thưởng Magnesia Litera ở hạng mục hư cấu - giải văn chương danh giá nhất của Séc năm 2007; Giải thưởng Văn học Usedom và Giải thưởng Georg Dehio Cô gái 16 tuổi Gita Lauschmannová, người sinh ra và lớn lên trong một gia đình nói tiếng Đức, thuần Do Thái ở một ngôi làng Séc, vừa trở về từ trại tập trung của Đức Quốc Xã vào cuối cuộc chiến. Giờ đã là trẻ mồ côi, cô hi vọng một sự chào đón ấm áp nhưng thay vào đó là thái độ thù ghét từ những người từng làm thuê cho ba cô, những người đã chiếm dụng toàn bộ gia sản và dọn vào căn nhà của gia đình cô ở. Lăng mạ cô vì nói tiếng Đức và gán cho cô cái mác quân Đức Quốc Xã, họ khiến cô phải chịu sự thống khổ tột cùng. Gita gần như thoát khỏi sự sát hại và nhập nhóm những người Đức đang trốn thoát khỏi Séc. Cô định sẽ tẩu thoát lần nữa và tới chỗ người thân duy nhất còn sống của cô, một người dì ở Prague. Mạch truyện quay lại cuối thời kì chủ nghĩa cộng sản, Gita Lauschmannová – giờ đã là một bác sĩ về hưu – quyết định quay về ngôi làng xưa để đòi lại công lí và lời xin lỗi. Nhưng một lần nữa những người dân ở đây lo sợ bà muốn đòi lại căn nhà đã mất của gia đình và chung tay chống lại bà. Đồng minh duy nhất của bà hóa ra lại chính là con trai của gia đình từng tống bà khỏi đây. Liệu bà có thể đòi lại công lí sau những hành động tàn bạo mình từng trải qua? Những sai trái trong quá khứ liệu có trở nên đúng? Gita là nạn nhận của phân biệt chủng tộc, nạn bài trừ người Semit, định kiến chính trị cũng như đổ lỗi cộng đồng. Đây là một câu chuyện đau lòng, truyền tải một thảm kịch điển hình hậu chiến. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Radka Denemarkova đã giành giải Magnesia Litera ở hạng mục hư cấu, giải văn chương danh giá nhất của Séc năm 2007. Một vở kịch gây xôn xao dư luận dựa trên cuốn tiểu thuyết đã được công diễn giai đoạn 2010-2012 tại Nhà hát Svanda ở Prague. Vở kịch đã làm dấy lên những tranh luận sôi nổi trong công chúng về chủ đề trục xuất hậu chiến đầy nhạy cảm và tam giác Đức – Séc - Do Thái trong quan hệ chính trị.