Giới thiệu Sách - Tranh Chấp Biển Đông - Pháp Lý Và Thực Tiễn
Sách - Tranh Chấp Biển Đông - Pháp Lý Và Thực Tiễn Tác giả TS. Trần Công Trục chủ biên Nhà xuất bản NXB Chính trị Quốc gia Sự thật Đơn vị phát hành NXB Chính trị Quốc gia Sự thật Ngày xuất bản 12-2022 Số trang 320 Kích thước 16 x 24 cm Loại bìa Bìa mềm Nội dung "Việt Nam là quốc gia nằm ven bờ Tây của Biển Đông, có bờ biển dài 3.260km, vùng biển rộng khoảng trên 1 triệu km2, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở vị trí tiền tiêu và liền kề với vùng biển của các nước trong khu vực. Chính vì thế, xung quanh hai quần đảo này, nhất là đối với quần đảo Trường Sa, từ lâu đã tồn tại các tranh chấp về chủ quyền giữa các bên hết sức phức tạp (Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei, Việt Nam và phần lãnh thổ Đài Loan). Căn cứ vào nguyên tắc của Luật pháp và thực tiễn quốc tế có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa bao hàm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được xác lập là phù hợp với Công ước, được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số nước và vùng lãnh thổ đã tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mặt khác, do việc giải thích và áp dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 của những nước có biển, nằm ven bờ Biển Đông khác nhau, nên đã hình hành các khu vực biển và thềm lục địa chồng lấn.
Cuộc tranh chấp Biển Đông hiện vẫn đang là một “nguy cơ” gây bất ổn trong khu vực. Tranh chấp Biển Đông đã trở thành một trong những cuộc tranh chấp phức tạp bậc nhất trên thế giới. Sự phức tạp của tranh chấp Biển Đông đến từ các yêu sách phức tạp về chủ quyền của nhiều quốc gia đối với các khu vực chồng lấn, hơn thế nữa, nó không chỉ đơn thuần là tranh chấp về mặt luật pháp quốc tế về biên giới biển, lãnh thổ trên biển mà nó còn được đan xen với những lợi ích về địa - chính trị, về kiểm soát con đường vận tải biển chiến lược, và về khai thác các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là dầu mỏ. Thực tế cho thấy tranh chấp các đảo trong Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề an ninh quan trọng nhất trong khu vực bởi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ có tác động rất lớn đến việc phân định các đường biên giới biển của khu vực này trong tương lai, và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền lợi trên biển của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.