Giới thiệu Sách Tranh Thủy Mặc Người Hoa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
Tác giả: Nhiều tác giả Khổ sách: 28 x 20 cm Số trang: 136 trang Năm xuất bản: 2017 NXB Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM Tranh thủy mặc là loại hình hội họa khởi nguồn từ Trung Quốc, sử dụng mực đen hòa với nước, sau này có thêm màu sắc. Dụng cụ vẽ tranh gọi là “văn phòng tứ bảo”, gồm có giấy, bút, mực, nghiên. Giấy được sử dụng là loại giấy Tuyên (Tuyên chỉ), bút là bút lông, mực và nghiên, cộng thêm nước sơn màu.
Đề tài sáng tác tranh thủy mặc khá đa dạng, gồm có cây cỏ, chim hoa, núi sông, người và con vật… Hiện nay, tranh thủy mặc được chia làm hai loại chính: tranh thủy mặc truyền thống (sáng tạo trên cơ sở cổ truyền) và tranh thủy mặc hiện đại (kết hợp giữa thể loại tranh Trung Quốc và tranh phương Tây). Tranh thủy mặc, dù là thể loại truyền thống hay hiện đại, thường được thể hiện dưới ba phong cách: công bút, ý bút, và bán công ý. Đa số trong đội ngũ tác giả tranh thủy mặc vùng Chợ Lớn thường sáng tác với nét bút “công bút”, và “bán công ý”.
Trong nhiều năm qua, Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh đã đi nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước để ghi nhận thực tế và sáng tác ra nhiều tranh thủy mặc, miêu tả cảnh vật thiên nhiên, cuộc sống, chân dung con người, đặc biệt là nét văn hóa đặc sắc của một số dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Để kế thừa và phát huy tốt nền văn hóa truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thưởng thức nghệ thuật và sáng tác tranh thủy mặc trong cộng đồng, Chi hội Mỹ thuật phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản ấn phẩm Tranh Thủy Mặc Người Hoa Ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Tập tranh đã quy tụ 118 bức tác phẩm của 14 tác giả là các nghệ nhân ưu tú, các bậc họa sĩ lão thành, đã nỗ lực hoạt động sáng tác nghệ thuật trong nhiều năm qua, từng nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, như họa sĩ Trương Hán Minh, Trương Lộ, Lý Khắc Nhu, Lý Tùng Niên, Trần Văn Hải, Huỳnh Tùng Bá, Diệc Ánh Nga, Hồ Ly Hoa…