Những câu chuyện của Thích Ca Mâu Ni, đa số là những truyền thuyết dân gian lưu truyền ở Ấn Độ cổ đại, Nepal, Srilanka, những câu chuyện này đã phản ánh lại tình yêu thù hận, sự cầu khẩn và niềm hi vọng của những người dân thời bấy giờ. Chính vì thế, bộ "Truyện Kể Phật Giáo" này, có thể nói là một bộ "giai thoại truyện kể dân gian cổ đại Trung Nam Á".
Những câu chuyện này đều ca ngợi sự hi sinh của bản thân, phản đối sự bóc lột và cướp đoạt, ca ngợi sự bình đẳng của chúng sinh, phản đối sự phân biệt giai cấp, ca ngợi lòng biết ơn... Tìm hiểu những câu chuyện này, độc giả như sống lại những giáo lý, răn dạy đầy tình người của Đức Phật.
"Truyện kể Phật giáo" (bìa vàng) của tác giả Chu Thụy Văn là một bông hoa trong những bông hoa truyện cổ trên khắp thế giới, và là một bông hoa vô cùng độc đáo. Sự tuyệt vời và ý nghĩa của bộ sách tâm linh này có được là do sự hình thành của chúng, không chỉ hoàn toàn dựa vào những điều tai nghe mắt thấy của con người và được kể lại qua sự phóng đại cũng như sáng tạo của trí tưởng tượng như các loại truyện cổ nói chung, mà phần lớn truyện kể Phật giáo đều có xuất xứ từ những kinh điển cũng như được đặt trên nền tảng của những giáo pháp do chính Đức Phật đã truyền dạy. Đặc biệt là giáo lý nhân quả. Đặc điểm này khiến cho tất cả những câu truyện kể trong Phật giáo vừa duy trì được tính chất bình dị và hấp dẫn vốn có của thể loại truyện cổ, lại vừa hàm chứa những bài học đạo đức luân lý, những triết lý sống sâu xa, và trên tất cả là những chân lý về cuộc sống do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni khám phá và truyền dạy lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại từ cách đây hơn 25 thế kỷ.
Những câu chuyện trong bộ sách được tác giả tổng hợp và truyền tải tới người đọc như một lời răn dạy độc giả hãy sống sao cho tốt đời, đẹp đạo, cho xứng với lời dậy của Đức Phật thiêng liêng, Người đã chỉ ra con đường giải thoát cho tất cả các chúng sinh. Những lời dạy của Ngài vẫn còn nguyên giá trị hôm nay và mãi mãi về sau.