Giới thiệu Sách - Truyền Thông Theo Phong Cách Win-Win
"Công ty phát hành: Thái Hà Tác giả: Phạm Sông Thu Nhà xuất bản: NXB Hà Nội Năm xuất bản: 2020 Số trang: 343 Hình thức : Bìa Mềm Giới thiệu sách: Câu chuyện khủng hoảng truyền thông đã xảy ra khá lâu ở một tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng các khu công nghiệp nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị về bài học cho công tác quản trị truyền thông. Ông chủ của tập đoàn này từng là một người giàu nhất nhì trên sàn chứng khoán Việt Nam và cũng là một ông nghị trong chính trường. Vậy mà giờ đây, mỗi lần nhắc đến doanh nghiệp này, giới truyền thông tỏ ra rất cẩn trọng trong việc thiết lập quan hệ, hợp tác trao đổi thông tin… Nguyên nhân bắt nguồn từ năng lực của người quản trị truyền thông. Chuyện kể trên chỉ là một “tai nạn nghề nghiệp” của nhà báo này và “những người bạn” từng có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với người đại diện truyền thông của tập đoàn kinh tế này. Nắm được một số thông tin bất lợi về siêu dự án do tập đoàn này làm chủ đầu tư, nhà báo này cùng “những người bạn” tổ chức “tổng tiến công” bằng loạt bài “đánh hội đồng” và gây áp lực, đặt điều kiện để mua “sự bình yên” cho doanh nghiệp. Kết cục là “cái bẫy” được người đại diện truyền thông của tập đoàn này giăng ra đã đưa nhà báo này vào vòng lao lý với mức án 7 năm tù giam cho hành vi tống tiền hơn 200 triệu đồng! Nếu là người làm truyền thông chuyên nghiệp thì không bao giờ bạn chọn kịch bản “cài bẫy” để đưa hoạt động quản trị thương hiệu của tập đoàn đi vào ngõ cụt, như trong trường hợp trên. Mục lục: Lời ngỏ Tầm quan trọng của truyền thông Truyền thông khủng hoảng Truyền thông thương hiệu Truyền thông mạng xã hội Truyền thông sự kiện Truyền thông chính sách Truyền thông xã hội Truyền thông cảm xúc Truyền thông nội bộ Xây dựng mối quan hệ với báo chí Một số kỹ năng mềm Xu hướng truyền thông hội tụ lên ngôi Pr là nghề & báo chí là nghiệp Lời kết Trích đoạn sách: TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRUYỀN THÔNG Trong hoạt động doanh nghiệp, quản trị truyền thông là chuỗi các hành động được hoạch định có chủ ý, nhằm cải thiện quan điểm chủ quan của khách hàng về hình ảnh doanh nghiệp, về thương hiệu qua việc triển khai các chiến dịch truyền thông, phát hành thông tin đến giới truyền thông và lôi kéo sự chú ý của dư luận, đặc biệt đối tượng khách hàng tiềm năng. Mặc dù hiệu quả truyền thông không dễ đo lường, chỉ mang định tính hơn là định lượng, nhưng tạo ra hình ảnh riêng và tăng thiện cảm từ phía khách hàng, điều chỉnh hành vi tiêu dùng từ công chúng là những kết quả cuối cùng của quản trị truyền thông. Có nhiều hình thức tiếp cận khác nhau khi doanh nghiệp muốn tạo ra một tầm ảnh hưởng nhất định của mình đối với khách hàng và cộng đồng: Từ quảng cáo truyền thống đến PR; từ thiết lập mối quan hệ truyền thông đến xử lý khủng hoảng thương hiệu; từ hoạt động truyền thông đối ngoại đến truyền thông nội bộ... Tất cả đều nhằm tạo ra một hình ảnh đẹp, nổi bật của thương hiệu, với mong muốn thông qua những hình ảnh đó, công chúng, khách hàng tiềm năng sẽ trở nên gần gũi và dành nhiều thiện cảm hơn cho thương hiệu. Người làm truyền thông cần có kỹ năng quản trị nhằm mục đích thiết lập, duy trì truyền thông hai chiều, đi tìm sự hiểu biết, chấp nhận, chia sẻ và hợp tác giữa doanh nghiệp và công chúng. Trong đó bao gồm quản trị những vấn đề hay sự kiện mà doanh nghiệp cần phải nắm được dư luận và có trách nhiệm thông tin cho công chúng. Công việc quản trị truyền thông luôn chịu áp lực, đòi hỏi phải vận dụng linh hoạt các giải pháp quản trị liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông của doanh nghiệp. Bản chất của quản trị truyền thông là chuỗi các hành động được hoạch định có chủ ý, nhằm cải thiện cái nhìn của khách hàng về hình ảnh doanh nghiệp, về thương hiệu qua việc triển khai các chiến dịch truyền thông, phát hành thông tin tới giới truyền thông và lôi kéo sự chú ý của họ Mặc dù hiệu quả truyền thông không dễ đo lường, nhưng việc tạo ra hình ảnh riêng và tăng thiện cảm từ phía khách hàng, công chúng là những kết quả cuối cùng mà thương hiệu mong đợi. Cho đến nay, rất nhiều ông chủ doanh nghiệp, chủ tập đoàn kinh tế tại Việt Nam đã “biết” về quản trị truyền thông. Tuy nhiên, với người làm truyền thông, chỉ “biết” thôi chưa đủ, cần có tư duy, phương pháp hoạch định và quản trị công việc truyền thông phù hợp. Có thể nói, đây là khái niệm không mới đối với thế giới, nhưng với sinh viên các trường đại học đào tạo chuyên ngành này tại Việt Nam thì rất cần những trải nghiệm thực tiễn. Tóm lại, nói đến quản trị truyền thông, nhiều người cho rằng đây là một khái niệm không còn mới mẻ. Nhưng tư duy đúng để thực hiện đúng thì quả là vấn đề cần bàn, ngay cả đối với chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị."