Giới thiệu Sách Từ Điển Hiện Vật Văn Hóa Các Dân Tộc Việt Nam
Tác giả: PGS.TS Nguyên Văn Huy (CB) Khổ sách: 21cm x 29cm Số trang: 790 Nxb Giáo dục Việt Nam Hãng sản xuất: Trong nước Xuất xứ Việt Nam Năm xuất bản: 2004
Một câu hỏi khó đối với những người biên soạn là lựa chọn những hiện vật nào để đưa vào cuốn sách này? Phạm vi và tiêu chí lựa chọn là gì? Với quan niệm đây là công trình khởi đầu có tính chất chấm phá, nên các hiện vật lựa chọn chỉ giới hạn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những hiện vật đã, đang và sẽ được giới thiệu trong các trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhưng nó cũng có thể giúp cho người đọc hiểu được những nét cơ bản về văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam thông qua những hiện vật vẫn đang được sử dụng trong đời thường và hàng ngày, hoặc nhiều hiện vật vẫn còn được sử dụng trong thời gian cách đây chưa lâu. Diện mạo về văn hóa đương đại là trọng tâm của sự lựa chọn trong cuốn từ điển này.
Cuốn sách được biên soạn theo những nguyên tắc sau:
- Phản ánh diện mạo văn hóa của tất cả 54 dân tộc anh em ở Việt Nam.
- Các mục từ được xây dựng trước hết theo tên gọi của hiện vật trong ngôn ngữ của dân tộc chủ thể văn hóa, được phiên âm theo cách viết của tiếng Việt phổ thông. Một số dân tộc có chữ viết hoặc có từ điển thì có thể căn cứ theo chữ viết của họ.
- Mỗi mục từ được biên soạn cơ bản theo một khuôn mẫu chung gồm: tên mục từ, dân tộc và nhóm dân tộc sở hữu hiện vật, miêu tả hình dáng, cách chế tác, công dụng và cách sử dụng, giá trị, phong tục và ý nghĩa tâm linh gắn liền với hiện vật, tình hình sử dụng hiện nay. Cùng với phần viết, hầu hết mỗi mục từ còn kèm theo một hay vài bức ảnh và các thông tin như kích thước, nơi hiện vật đã được sưu tầm, người sưu tầm, năm sưu tầm và một số đăng ký tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
- Để bạn đọc có một cái nhìn khái quát về mỗi dân tộc, cuốn từ điển này được sắp xếp tra cứu chủ yếu theo dân tộc; các dân tộc danh cũng như các mục từ trong mỗi dân tộc đều xếp theo thứ tự ABC; và một bảng danh mục chi tiết các mục từ theo dân tộc được xếp ở cuối sách.
- Tên các dân tộc được viết theo Bảng danh mục các dân tộc ở Việt Nam do Tổng cục Thông kê công bố năm 1979 dùng cho Tổng điều tra dân số mà vẫn có giá trị cho đến nay.
- Một số trường hợp viết tắt:
d.= dài ; r. = rộng ; c.= cao ; đk. = đường kính
Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích, thiết thực đối với mọi người khi tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Việt Nam.