Tác giả: Arnold Kling, Nick Schulz Dịch giả: Nguyễn Trường Phú, Hồ Quốc Tuấn Khổ sách: 15x23 cm Số trang: 330 trang Năm xuất bản: 2019 NXB Tổng Hợp TPHCM
Kinh tế học không còn như trước đây. Trong vài thập niên gần đây, các nhà kinh tế học đã bắt đầu một sự tái định hướng đáng chú ý trong cách nhìn về thế giới. Sự thay đổi này dựa trên một lượng lớn các hướng nghiên cứu ngày càng phát triển nhanh mà chúng tôi sẽ cùng bạn khám phá trong cuốn sách này. Đồng thời, sự thay đổi này có nhiều hàm ý quan trọng đối với chính trị, chính sách và cách mà chúng ta nhìn thế giới xung quanh.
Trong nhiều năm qua, câu chuyện được các nhà kinh tế học dùng để mô tả về thế giới xung quanh chúng ta là chưa trọn vẹn. Những gì chúng ta chưa được nghe trong câu chuyện đó là sức mạnh tích cực của sáng tạo, là đổi mới, là những công nghệ tiến bộ thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chúng ta cũng bỏ qua những lực lượng tiêu cực có thể kìm hãm nền kinh tế: quản trị kém, hành vi xã hội không hiệu quả và các mô hình thâu tóm của cải thay vì tạo ra nó.
Quyển sách này trình bày những ý tưởng chính về cái mà chúng ta gọi là Kinh tế học 2.0. Các nhà kinh tế học đã phát triển những ý tưởng này để giải thích sự khác biệt rất lớn về chất lượng cuộc sống giữa các mốc thời gian trong lịch sử và giữa các quốc gia.
Kinh tế học 2.0 nói rằng những khác biệt này phản ánh những tài sản vô hình và khoản nợ tiềm ẩn. Tài sản vô hình là những tài sản dựa trên cơ sở kiến thức. Ngược lại với tài sản vô hình, các khoản nợ tiềm ẩn là những trở ngại mang tính thể chế và văn hóa đối với sự đổi mới và năng suất lao động.
Kinh tế học 2.0 đưa ra một quan điểm hoàn toàn mới về vai trò của thị trường trong xã hội, quan điểm này sẽ dần dần trở nên rõ ràng hơn khi độc giả đọc quyển sách này. Kinh tế học nói rằng: “Thị trường thường thất bại. Đó là lý do vì sao chúng ta cần thị trường. Điều đó có nghĩa là gì? Kinh tế học 2.0 nói rằng muốn vượt qua thất bại của thị trường, cần phải có những cải tiến, đổi mới. Cải tiến, đổi mới sẽ được thực hiện tốt nhất bởi thị trường, chứ hiếm khi được thực hiện bởi chính phủ. Các doanh nhân là trọng tâm của nền kinh tế, đẩy mạnh đổi mới thông qua hệ thống.
Cuốn sách này kể một câu chuyện lớn. Đó là câu chuyện mà chúng tôi đúc kết từ nhiều công trình nghiên cứu chồng chéo, được thực hiện bởi các nhà kinh tế học. Tuy nhiên, trọng tâm của quyển sách này sẽ dựa trên ý tưởng của các nhà kinh tế học hiện đang còn sống và chúng tôi muốn để quý độc giả tự mình tìm hiểu sự liên hệ của các thế hệ kinh tế gia nói trên, một “phả hệ tri thức” thực sự.