Giới thiệu Sách - Tủ Sách Học Làm Người – Nên Thân Với Đời
Công ty phát hành: Alpha Books Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên Tác giả: Hoàng Xuân Việt Loại bìa: Bìa Mềm Số trang: 148 Năm xuất bản: 2019
Cuốn sách viết về những kiến thức thực tiễn của cuộc sống mà chúng ta cần học ngoài những kiến thức nhận được trên ghế nhà trường, để hoàn thiện bản thân trở thành người thành đạt. Học giả Hoàng Xuân Việt chỉ ra cho bạn đọc những việc phá hoại tâm lực là gì? Rèn nghị lực ra sao? Luyện trí tưởng tượng thế nào thì tốt? Những phiền muộn nào khiến bạn rủn chí rồi dễ dàng đầu hàng sầu thảm? Được chia thành 2 phần: Nên thân và Yên tâm, cuốn sách nhỏ này sẽ vô cùng hữu ích cho người đọc trên hành trình hoàn thiện bản thân. Nên thân với đời nằm trong Tủ sách Học làm người của học giả Hoàng Xuân Việt, với những bài học vô cùng thiết thực, dù đã trải qua một thế kỷ nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho người trẻ thời nay. Trích dẫn: - Người yên tâm là người hạnh phúc. Phải không bạn? Giữa thời đại mà trên nhiều lĩnh vực dễ rối lương tâm mà bạn lập trong lương tâm mình thế quân bình, tống khứ các ưu tư cho niềm vui tự đáy lòng nở qua nụ cười, nét mặt rồi nhìn cuộc sống như mùa hoa nở. Ai mà không cho là vạn hạnh. Mình có yên tâm đi đã, tư tưởng mới thâm trầm, lời nói mới cương quyết, hành động mới đắc lực và sống như vậy mới thật sự hữu ích cho mình và cho xã hội. - Trong phút tĩnh tâm nào đó, bạn dựng lại toàn bộ lịch sử của đời tư bạn. Coi trong các tháng năm qua đại khái bạn đã làm gì, thành bại ra sao, tại sao? Bạn coi vốn học của mình tới đâu? Nghề nghiệp thế nào? Giao tế đắc nhân tâm hay thường gây thù chuốc oán? Làm việc có nghị lực không? Bi quan hay lạc quan với cuộc sống hiện tại? Hành động suy nghĩ hay nông nổi? Can đảm hay nhát gan? Ký ức thế nào? Tưởng tượng phong phú không? Sau khi đã xét lại con người của mình, bạn tự hỏi coi bây giờ bạn có định cải thiện hoàn cảnh của mình không. Đức tính nào bạn muốn phát triển. Mẫu người bạn nhắm đào luyện ra sao? Bạn tin mình sẽ thành công bằng những luật thành công hay phó mặc may rủi. Nhiều khi ta mắc tật lo dòm ngó “cái tôi” của kẻ khác, thèm thuồng giá trị của người này, người nọ mà quên nhận diện “cái tôi” của mình, và đánh giá sai cái khả năng của chính mình. Phải thành thực với mình và sáng suốt nhận thức nguyên nhân của các thất bại. Tự vấn tại sao trong lãnh vực nào đó ta bị kẻ khác hại, ta lỡ dịp may, ta nói kẻ khác không nghe, ta làm hỏng trách vụ người trên giao phó. - Một lời nói chua cay của kẻ khác làm ta muốn nhảy chồm lên. Một hung tín làm ta tối tăm mày mặt. Một đồ vật hay món hàng nào đó làm ta say mê. Một người ta thích, ta yêu và luôn muốn gặp, muốn gần gũi. Trong các trường hợp này cảm xúc tính nổi sóng gió trong ta. Tình dục bao vây lý trí, kình chống với ý chí. Tinh thần mà non tay ấn là ta hành động nô lệ thú tính. Hầu hết những hối hận của ta về tình cảm, về xử thế là do ta thiếu tự chủ. Ta bị đứa thất phu chọc tức, ta nhào tới “mắt thế mắt, răng thế răng”. Được một tin buồn ta luýnh quýnh, mất ăn mất ngủ. Khi lòng ham muốn hay thiện cảm hoặc tình yêu phát lên cuồng bạo, ta lý luận chủ quan, cho mình cái gì cũng phải, hành động bất cần hậu quả ra sao. Lúc cảm xúc lắng xuống, ta mới giật mình thấy tại sao khi mất quân bình, nội tâm nông nổi đến thế. Muốn tiết kiệm tâm lực, trong các trường hợp náo động đó, phải thinh lặng. Bạn không nói gì hết, không viết gì hết, không hành động gì hết khi nội tâm nổi phong ba. Lúc thinh lặng bạn tự kỷ ám thị bằng những câu: “Tôi tự chủ. Tôi bình tĩnh. Tôi suy nghĩ trước khi hành động”. Đếm từ 1 đến 100 rồi hễ nói khi cảm xúc ồ ạt. Làm ngược lại ý mình khi cảm xúc nổi lên. Nhìn việc gì trên đời cũng bằng cặp mắt khách quan, lạnh lạt. Đừng quan trọng hóa việc cỏn con. Cứ hành động, nói năng ra vẻ như mình vốn là người tự chủ.