Giới thiệu Sách - Tự sự học từ kinh điển đến hậu kinh điển
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Kích thước 16 x 24 cm Tác giả nhiều tác giả Loại bìa Bìa mềm Số trang 528 Ngày xuất bản 2022 Đơn vị phát hành: NXB Giáo dục Việt Nam
Tự sự là một phạm vi rộng lớn trong hoạt động giao tiếp của con người nói chung cũng như trong vô vàn thể loại văn học hoặc phi văn học hết sức đa dạng nói riêng. Hằng ngày, con người vẫn kể, thông báo cho nhau các chuyện xảy ra ở đâu đó, chi tiết hoặc khái lược. Các nhà văn, nhà báo, nhà viết sử hằng ngày vẫn kể các chuyện khác nhau dưới nhiều hình thức. Mỗi sự việc, mỗi cuộc đời đều được hình dung bằng những câu chuyện, còn đất nước, cộng đồng lại hình dung thành một câu chuyện lớn hơn. Có thể nói, không đâu là không có chuyện, mà có chuyện là có tự sự. Tự sự do đó trở thành một phương thức biểu nghĩa, kí hiệu học rộng lớn của nhân loại.
Cuốn sách Tự sự học – Lí thuyết và ứng dụng của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử và đồng nghiệp biên soạn, tập trung làm rõ các nội dung cơ bản của tự sự học, một ngành nghiên cứu văn học hiện đại, bao gồm những phạm trù và khái niệm cơ bản của tự sự học kinh điển và hậu kinh điển, và sự ứng dụng tại một số nước như Nga, Trung Quốc, Việt Nam.
Ngoài phẩn Dẫn nhập -Tự sự học, lý thuyết và ứng dụng, sách gồm 3 phần chính:
Phần một: Tự sự học kinh điển, gồm 10 chương. Sau hai chương chính trình bày sự phát triển của tự sự học kinh điển, các chương tiếp theo trình bày các phạm trù cơ bản của tự sự học kinh điển (Tự sự và mô hình cấu trúc tự sự; Sự kiện, nhân vật và tình tiết truyện; Thời gian trần thuật; Không gian trần thuật; Văn bản trần thuật…).
Phần hai: Tự sự học hậu kinh điển, gồm 7 chương, trình bày sự phát triển của tự sự học hậu kinh điển, với bốn hướng nghiên cứu chính: tự sự học tri nhận, tự sự học gắn với phái tính (tự sự học nữ quyền và đồng tính luận), tự sự học tu từ, tự sự học điện ảnh và nghệ thuật thị giác.
Phần ba: Tự sự học ứng dụng, gồm 3 chương. Ngoài mục đích khái quát về cấu trúc, tổ chức tự sự, tự sự học còn có mục đích ứng dụng trong phân tích tác phẩm tự sự cụ thể, mô tả tiến trình phát triển nghệ thuật tự sự của một nền văn học cụ thể hoặc nghiên cứu loại hình của các thể loại tự sự. Ở phần này, tác giả giới thiệu tự sự học ở Nga, Trung Quốc và Việt Nam.
Ngoài ra, phần phụ lục Thuật ngữ tự sự học (gần 100 trang) chủ yếu chọn những thuật ngữ tương đối thông dụng để bạn đọc tiện tra cứu, học tập, nghiên cứu.
Cuốn sách cần thiết cho các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngành ngữ văn học và những ai quan tâm đến lí thuyết văn học hiện đại.